Quy định tăng giờ làm thêm lên tối đa 60 giờ/tháng, áp dụng cho tất cả các ngành nghề nhận được sự đồng tình của người lao động (NLĐ) và kể cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất làm thêm giờ là kéo dài thời gian lao động sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế cần thiết có thêm chế tài giám sát kiểm tra thực hiện đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng cường thêm chế độ tiền lương chăm sóc cho người lao động.
Giải pháp bù đắp thiếu hụt nhân lực
Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm.
Các trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Đón nhận thông tin tăng giờ làm thêm được thông qua, chị Nguyễn Thị Thương - công nhân may, Tổng Công ty May 10 (Long Biên, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: Thông thường chúng tôi làm thêm 1h/mỗi ngày, có nghĩa ngày lao động kéo dài từ 8 lên 9 giờ. Tuy nhiên từ tháng 2 đến nay, công ty có những đơn hàng gấp, trong khi Xí nghiệp lại có nhiều lao động trở thành F0, phải nghỉ hàng loạt. Chính vì vậy, để lấp khoảng trống thiếu nguồn nhân lực, chúng tôi tăng làm thêm 2 giờ/ngày, số giờ làm thêm này được tính lương tăng 150% so với giờ làm việc bình thường. Ngoài lương chúng tôi có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày. Nhờ đó, cuộc sống cũng ổn định và có chút để dành. Vì vậy khi biết có thông tin tăng số giờ làm thêm trong tháng, công nhân chúng tôi ai cũng vui mừng vì sẽ có thêm nguồn thu.
Tăng ca, song hành tăng phúc lợi
Cũng giống như chị Thương, với chị Nguyễn Thị Trang, công nhân may Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) việc tăng giờ làm thêm chính là cơ hội để bữa cơm hàng ngày gia đình chị có thêm “chất tươi”. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên mong mỏi lớn nhất là được làm thêm để có thu nhập trang trải, nhất là lúc này “bão giá” khiến mọi chi tiêu trong gia đình đều tăng lên 2 con số. “Tuy nhiên cùng với việc tăng ca, NLĐ chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chính sách phụ cấp đi kèm. Bởi thực tế làm thêm là NLĐ đã không còn thời gian để nghỉ ngơi vì vậy rất cần có chính sách về dinh dưỡng, phụ cấp tương xứng như thế mới đảm bảo sức khỏe lâu dài”- chị Trang nói.
Đây cũng băn khoăn của nhiều chuyên gia khi triển khai chính sách tăng giờ làm thêm. Đồng tình với việc nới đề xuất giờ làm thêm từ không quá 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và mở rộng thêm các ngành nghề, tuy nhiên theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nới trần giờ làm thêm trong tháng lên không quá 60 giờ là mức tối đa, còn số giờ làm thêm cụ thể thì giữa người lao động và người sử dụng lao động phải cân nhắc. Nếu người lao động cảm thấy sức khỏe không đảm bảo thì có thể trao đổi với công đoàn, doanh nghiệp, thời gian làm thêm tối đa 60 giờ/tháng chỉ dồn trong ít tháng, vì tổng thời gian làm thêm trong năm không được vượt quá mức 300 giờ.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Do đó, ông Huân cho rằng, doanh nghiệp và người lao động cần thỏa thuận với nhau, đảm bảo trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi đảm bảo để người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. “Khi quy định về làm thêm giờ đi vào thực tế từng doanh nghiệp, sẽ có người lao động khỏe, có người chưa đáp ứng được thì tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động cần xem xét số giờ cụ thể cho phù hợp”- ông Huân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chuyên gia lao động TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, việc triển khai chính sách tăng giờ làm thêm phải song hành cùng với chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tức là nếu doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm thì phải đảm bảo các chính sách đãi ngộ về phụ cấp, đảm bảo dinh dưỡng cho NLĐ khi làm tăng ca. “Các nước cũng có những quy định rất chặt về vấn đề này, ngoài thời gian chính thì thời gian làm thêm phải có các chế độ về an toàn vệ sinh lao động, chẳng hạn như phải được nghỉ ngơi giữa giờ, làm đêm phải được ăn giữa ca, nếu kéo dài thời gian làm việc sau 5h chiều thì phải có bữa chiều, bữa ăn nhẹ” - bà Hương nhấn mạnh.