Lan tỏa sức mạnh mềm ngoại giao văn hóa

PHƯƠNG MAI 03/01/2023 09:16

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của sức mạnh mềm. Phần lớn các quốc gia đều có chính sách truyền bá văn hóa ra nước ngoài, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại. Qua ngoại giao văn hóa, các quốc gia mở rộng ảnh hưởng của mình với thế giới. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Việt Nam xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ mục tiêu: Đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa.

Tăng cường xây dựng thương hiệu Hà Nội - thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. ẢNh: Ngọc Hân.

Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức vào trung tuần tháng 12 vừa qua, ngoại giao văn hóa được nhấn mạnh là một trong những trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Hội nhập văn hóa là khía cạnh hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Quá trình đó đòi hỏi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc phải đi đôi với mở cửa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với xu thế của thời đại.

Đặc biệt, phải tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Phát huy vai trò của ngoại giao văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa sức mạnh mềm, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; khai thác tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển nền văn hóa theo phương châm: Dân tộc, khoa học, hiện đại. Theo đó, thể chế, chính sách văn hóa cũng cần được xây dựng dựa trên những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Cần quan tâm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, phát triển, quảng bá văn hóa bằng du lịch, thúc đẩy hội nhập sâu giữa văn hóa và du lịch, thông qua du lịch “xuất khẩu” văn hóa tại chỗ đối với du khách và bạn bè quốc tế.

Thực hiện các giải pháp “mượn lực từ bên ngoài”, tăng cường tiếng nói của các cơ quan báo chí, truyền thông, học giả, khách du lịch, người nước ngoài để nói về những nét đặc sắc, những câu chuyện tốt đẹp về văn hóa và con người Việt Nam. Tích cực tiếp biến, hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn vốn phát triển văn hóa.

Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa từ năm 2016 đến nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đất nước. Ngoại giao văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa. Đại hội XIII đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

Du khách quốc tế thưởng thức diễn xướng Ca trù tại Hà Nội.

Cần chính sách phù hợp

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, trong quá trình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa còn không ít những khó khăn, hạn chế: Trước hết, nhận thức chung của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về vai trò, ý nghĩa của ngoại giao văn hóa dù đã được nâng lên rõ rệt nhưng chưa đồng đều; công tác thông tin, điều phối, phối hợp triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong một số trường hợp chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, mặc dù đã tăng về số lượng, nội dung, chất lượng phong phú, đa dạng hơn; tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao văn hóa chưa được thực hiện đồng đều, thường xuyên, thường chỉ tập trung ở một số địa bàn lớn và vào một số thời điểm, sự kiện nhất định trong năm. Một số cơ quan, địa phương chậm đổi mới nội dung, hình thức; chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật phần lớn vẫn đang dựa vào các di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam và các địa phương, chưa chú trọng đúng mức tới các loại hình nghệ thuật đương đại, vì thế hạn chế trong việc thu hút, hấp dẫn giới trẻ nước ngoài.

Mặt khác, nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, phần lớn các cơ quan, địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về công tác ngoại giao văn hóa; ngân sách bố trí cho ngoại giao văn hóa của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với yêu cầu trong khi việc xã hội hóa mới bước đầu được triển khai ở một số hoạt động. Công tác tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng một số mặt vẫn bộc lộ hạn chế, chưa trở thành hoạt động thường xuyên và được triển khai đồng đều ở các cơ quan trong và ngoài nước…

Bởi vậy, để ngoại giao văn hóa phát huy hiệu quả, PGS.TS Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) cho rằng: Chính sách văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với chiến lược và mọi hoạt động thường xuyên nhằm sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực để bảo tồn, bảo vệ các giá trị văn hóa đặc trưng tinh hoa của dân tộc, xây dựng, phát huy nội lực văn hóa thành sức mạnh mềm, quảng bá hình ảnh đất nước, con người quốc gia chủ thể ra thế giới, phát triển nền văn hóa lâu dài, bền vững, có nhiều hấp lực trên trường quốc tế.

Hiện nay rất nhiều nước nhờ có chính sách văn hóa phù hợp nên nền văn hóa của họ vừa phát triển có thành tựu, trở thành sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, lại đóng góp hiệu quả vào sự lớn mạnh của đất nước, có ảnh hưởng nhất định đối với quá trình toàn cầu hóa nhiều mặt, kể cả lĩnh vực văn hóa.

PGS.TS Lê Thanh Bình dẫn chứng, chính sách văn hóa của Hàn Quốc thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy và định hướng cho sự phát triển xã hội của quốc gia và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong hoạch định và thực thi chính sách văn hóa sau những năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra một số ưu tiên và thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của hoàn cảnh mới phù hợp môi trường số hóa, công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, đưa các ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang… của Hàn Quốc thâm nhập vào nhiều nước trong khu vực và lan rộng sang cả một số nước Âu, Mỹ.

Thay đổi hợp tác quốc tế trong chính sách văn hóa phù hợp với bối cảnh mới. Hợp tác quốc tế về văn hóa của Hàn Quốc trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI đang tập trung vào đẩy mạnh phát triển văn hóa dân tộc Hàn Quốc tại các nước trên thế giới và tham gia các sự kiện văn hóa quốc tế cùng các chương trình hợp tác văn hóa với các nước khác.

Với mục đích này, các bộ liên quan đã tiến hành các ký kết hợp tác, phối hợp để tăng hiệu quả quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Các tổ chức văn hóa quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đều có chiến lược, kế hoạch tổ chức cho kiều bào Hàn Quốc đang sinh sống tại nước ngoài tham gia tích cực, chủ động trong hợp tác văn hóa…

Hay chính sách phát triển văn hóa Nhật Bản gắn với tăng cường sức mạnh mềm và ngoại giao văn hóa. Từ năm 2007 đến nay, Nhật Bản xác định rõ các nội dung chính của chính sách dùng con đường văn hóa làm ngoại giao, giao lưu với thế giới gồm: Đẩy mạnh giao lưu văn hóa như: Giới thiệu văn hóa Nhật Bản, sử dụng văn hóa đại chúng để giao lưu (Lập Giải thưởng truyện tranh quốc tế, Đại sứ văn hóa Anime), đẩy mạnh giáo dục tiếng Nhật, giao lưu trí tuệ - nghiên cứu về Nhật Bản và tổ chức các Năm văn hóa hấp dẫn tại nước ngoài...; Đẩy mạnh giao lưu các nhân vật văn hóa với các nước; áp dụng chương trình thực hành tiếng Nhật cho các nhà ngoại giao, công chức...; Hợp tác văn hóa qua các tổ chức đa phương như UNESCO; Tổ chức các chương trình giao lưu nhằm thúc đẩy hiểu biết đối với Nhật Bản; Viện trợ văn hóa không hoàn lại đối với các nước đang phát triển…

Liên quan tới chính sách phát triển ngoại giao văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận: Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, văn hóa chỉ trở thành sức mạnh mềm khi các nguồn lực mềm văn hóa được chuyển hóa thông qua các kênh tác động có khả năng lan tỏa, lôi cuốn, thẩm thấu vào quốc gia tiếp nhận.

Đối với nhiều quốc gia, việc chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa khôn khéo thường là sự lựa chọn kết hợp qua lại giữa các kênh tác động là ngoại giao văn hóa, truyền thông, thương mại văn hóa. Ba kênh lớn này với các kênh nhỏ như: Hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục ngôn ngữ thông qua việc triển khai các hoạt động thường niên hay sự vận hành của các tổ chức như: Hội đồng Anh (Anh), Học viện Goethe (Đức), Học viện Puskin (Nga), Viện Cervantes (Tây Ban Nha), Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản (Nhật Bản), Cộng đồng Pháp ngữ (Pháp)…, truyền hình, phim ảnh, các sản phẩm văn hóa gắn với công nghệ và mạng internet, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mang bản sắc, sức hấp dẫn văn hóa đồ thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, ẩm thực, du lịch... sẽ truyền bá sức hấp dẫn văn hóa và hướng đối tượng thực hiện theo mục tiêu và lợi ích của chủ thể quyền lực.

Một trong những quốc gia thành công khi sử dụng thành công các kênh tác động này là Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Pháp… Trong đó, trường hợp đặc biệt thành công là Mỹ.

Nghề làm tò he mang lại ấn tượng với du khách quốc tế. Ảnh: Việt Khánh.

Giải pháp cho Việt Nam

Để ngoại giao văn hóa phát huy hiệu quả, PGS.TS Lê Thanh Bình kiến nghị: Đối với thực tiễn đất nước ta, cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức về văn hóa, giá trị văn hóa, đặc biệt là nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng, hình thành nhân cách con người, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng đang dần được hoàn thiện, đáp ứng khá nhiều yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, đòi hỏi của mọi công dân. Nhưng là một nước có gần 100 triệu dân với vị trí địa chính trị quan trọng, có truyền thống văn hóa lâu đời, thì việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa đặt trong chiều tương tác sức mạnh và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, TS Thu Phương đề xuất hệ giải pháp: Xây dựng khung chiến lược phát huy sức mạnh mềm văn hóa; Tạo tính liên kết của 8 nguồn tài nguyên mềm văn hóa theo hướng thích ứng với tiêu chí quốc tế dựa trên các nguồn tài nguyên nằm trong khung thể chế Việt Nam gồm: Di sản văn hóa phi vật thể (sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học... như nghệ thuật truyền thống, lễ hội truyền thống, bí quyết nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống..), di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản thiên nhiên thế giới, lễ hội mới và sự kiện văn hóa, các sản phẩm và dịch vụ thuộc ngành công nghiệp văn hóa, các giá trị và danh nhân văn hóa, văn hóa cộng đồng cơ sở, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa; Tiến hành các giải pháp liên kết các thành tố sức mạnh mềm văn hóa; Phát huy khả năng phối hợp, liên kết của các kênh truyền dẫn.

TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng kiến nghị tăng cường xây dựng thương hiệu Hà Nội - thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), tạo tiền đề cho việc định vị thương hiệu quốc gia sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam từ lộ trình nhân rộng các thương hiệu thành phố sáng tạo trên toàn quốc ở các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống UCCN. Trong giai đoạn từ 2023 đến 2029, Việt Nam cần đưa ít nhất 3 thành phố vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN, ưu tiên các thành phố đã hội tụ nhiều điều kiện như Hội An, Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, TPHCM ở các lĩnh vực như: Thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, âm nhạc, truyền thông nghệ thuật, điện ảnh...

Đáng lưu ý, về nguồn nhân lực, theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính là ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” - họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác.

“Thời gian tới việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phối hợp về ngoại giao văn hóa một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo hướng Chính phủ đóng vai trò chủ chốt triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa cấp Nhà nước, khu vực và quốc tế.

Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hoá trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích tham gia đóng góp lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam”, ông Hà Kim Ngọc gợi mở.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc các châu lục khác nhau. Tham gia ngày càng tích cực vào nhiều tổ chức và diễn đàn khu vực và toàn cầu, trong đó có Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)... Tổ chức thành công nhiều hội nghị, đàm phán tầm quốc tế, như Hội nghị cấp cao ASEM; đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà của APEC năm 2006 và 2017; Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2010; hay cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019...

Qua kênh ngoại giao văn hóa thế giới biết nhiều hơn về một Việt Nam giàu đẹp, hiếu khách, kiên cường, hòa hiếu với hàng nghìn năm văn hiến; uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, dấu ấn Việt Nam ngày càng sâu đậm.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển văn hóa

Về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.

Thêm vào đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa. Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế về các chính sách văn hóa

Việt Nam đặt văn hóa là trung tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia bảo đảm công bằng và bền vững. Đây là điều mà Việt Nam có cách tiếp cận và đi trước nhiều nước trên thế giới. UNESCO cam kết phát triển các chính sách công hiệu quả và bền vững hơn cũng như đảm bảo rằng sức mạnh chuyển đổi của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tiếp tục được duy trì cùng với sự phát triển của các Chỉ số chuyên đề về Văn hóa trong Chương trình nghị sự 2030.

Thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững.

Tôi cho rằng, trong hoàn thiện thể chế, thiết kế các chính sách văn hóa cần tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển quốc gia và giám sát thực hiện, tác động của chính sách. Đồng thời, tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số. Cùng với đó, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các viện văn hóa hay các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức. Đây là cách làm được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó, do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa sức mạnh mềm ngoại giao văn hóa