Không có việc làm nào là nhỏ khi nó đến một cách tự nhiên trên tình thần một người vì mọi người.
Những ngày qua, clip đăng tải trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông về cậu bé 12 tuổi dừng lại cúi nhặt rác ở từng miệng cống để nước mưa thoát nhanh, không gây ngập đường; tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc đối với người xem.
Tháng 6 là tháng mà các địa phương vùng Đông Nam bộ luôn xuất hiện mưa gây ngập vào mỗi buổi chiều vì thế nên sự lan tỏa, lay động từ việc làm của cậu bé càng có ý nghĩa. Việc làm của cậu học trò lớp 6 còn khiến người lớn phải nhìn lại trách nhiệm, bổn phận của mình với đời sống, cộng đồng từ những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ.
Chắc chắn có rất nhiều người phải xem đi xem lại clip được đăng tải để cùng chung nhận xét rằng cậu bé 12 tuổi, lưng đeo cặp sách, chống xe đạp, cúi nhặt rác ở miệng cống trong cơn mưa chiều tháng 6 của miền Đông Nam Bộ là phản xạ rất tự nhiên. Có ít nhất 10 lần cậu bé chống xe đạp ở các miệng cống trên đường từ trường về nhà để nhặt rác. Hình ảnh, việc làm của cậu bé nằm gọn trong tầm quan sát của camera gắn trước cửa các nhà dân.
Thầy, cô giáo Trường THCS Long An (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhanh chóng nhận ra cậu học trò nhỏ có hành động đẹp ấy tên là Phạm Trọng Đạt, 12 tuổi, đang là học sinh lớp 6/1 của trường. Đại diện Ban Nhân dân ấp Trầu, xã Long An cũng bày tỏ tự hào về cậu học sinh nghèo Phạm Trọng Đạt. Đại diện Ban nhân dân ấp Trầu cho biết, cậu bé Đạt sống với ông, bà ngoại vì cha mẹ đi làm mướn ở xa. Ngoài việc giúp ông bà làm các công việc mưu sinh thường nhật, cậu bé Đạt hay lui cui tháo ráp đồ điện với mong muốn sẽ thành thợ sửa chữa, kiếm tiền nuôi giấc mơ vào đại học.
Trong số hàng triệu lượt người xem, khen ngợi, chia sẻ clip về cậu bé moi rác ở miệng cống cũng có những người nêu ý kiến cho rằng đây chỉ là việc nhỏ, thậm chí quá nhỏ. Không chê trách những người nêu ý kiến này nhưng cũng không thể không lên án bộ phận không nhỏ những người thờ ơ vô cảm với đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Đông Nam Bộ đang là mùa mưa. Các tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh và nhiều TP, đô thị ở các tỉnh Đông Nam Bộ bất cứ lúc nào cũng bị biến thành sông sau mỗi cơn mưa. Đã có những dự án lớn tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng chưa thể giải quyết tình trạng phố phường chìm trong nước sau mỗi cơn mưa hay mỗi đợt triều cường.
Có gì đó thật khó hiểu là trong dòng người, xe chen chúc, bì bõm trên các tuyến đường ngập nước vẫn có không ít người một mực đổ lỗi cho sự tắc trách của các cấp, ngành quy hoạch, quản lý mà quên đi việc nhỏ nhoi mà nếu mỗi người cùng chung tay thì chắc chắn sẽ giảm thiểu ngập nước. Đấy là việc không vứt rác bừa bãi ra đường và cúi xuống moi rác ở miệng hố ga giúp nước tiêu thoát nhanh như việc làm của cậu học sinh lớp 6 Phạm Trọng Đạt.
Cuộc sống bộn bề bươn chải, lo toan cùng tiện nghi, tiện ích của thời kỳ công nghệ - công nghiệp 4.0 có thể làm cho không ít người hờ hững với những việc làm tốt diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nơi mình đang sống, ở mỗi con đường mình đang đi. Hành động của cậu bé Phạm Trọng Đạt được dư luận khen ngợi bởi nó hàm chứa ý nghĩa nhân văn cao cả. Hành động đẹp xuất phát từ phản xạ tự nhiên của cậu bé trên đường đi học về, dễ dàng cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh chàng trai Giàng A Sở ở vùng cao Yên Bái đứng hàng giờ trong mưa lạnh chờ trả lại người bỏ quên chiếc ví chứa nhiều tài sản giá trị…
Thế giới từng không tiếc giấy mực ngợi ca cậu bé Nhật Bản 9 tuổi trong thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Được ưu tiên nhận món quà từ tổ chức nhân đạo; cậu bé cúi rạp người cảm ơn rồi lặng lẽ đem món quà để chung vào đống hàng cứu trợ, qua lại xếp hàng sau mọi người chờ đến lượt mình. Trong đại dịch Covid-19, mọi địa phương của Việt Nam đều có rất nhiều người thầm lặng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đấy là các ATM gạo miễn phí; là bữa cơm từ thiện mỗi ngày cho hàng ngàn lượt người nghèo không thể mưu sinh do trong đại dịch...
Không có việc làm nào là nhỏ khi nó đến một cách tự nhiên trên tình thần một người vì mọi người.