Những năm trước, làng mộc Thuận Giang, Nam Thắng tấp nập kẻ vào người ra, chủ bán khách mua, tiếng gõ búa vang cả một góc làng. Nhưng năm nay khi Tết đã cận kề, khung cảnh nhộn nhịp ngày xưa đã không còn, thay vào đó là sự đìu hiu.
Nghề mộc Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) chủ yếu tập trung tại 2 làng Nam Thắng và Thuận Giang. Rất khó xác định được làng mộc tại đây có từ khi nào. Theo các cụ cao niên trong làng, từ xa xưa, những người dân ở Quỳnh Hưng tự học nghề từ những người thợ mộc giỏi ngoài Bắc như vùng Hà Nam, Bắc Ninh khi họ vào Nghệ An… Dần dần, nghề mộc lan tỏa rộng ra, người biết nhiều dạy cho người biết ít và người chưa biết. Bằng sự học hỏi và cần cù, qua thời gian, tay nghề của mỗi người được nâng cao. Từ một số ít hộ mở xưởng mộc ban đầu, giờ đây nghề mộc ở Quỳnh Hưng đã phát triển mạnh và trở nên có tiếng tăm trong tỉnh Nghệ An. Cứ thế đến nay, sau nhiều năm, nghề mộc đã trở thành nghề chính, thu nhập chính của người dân trong làng, làng mộc Thuận Giang, Nam Thắng ra đời từ đó.
Thường thì vào tháng Chạp hàng năm, người dân tại làng mộc Thuận Giang và Nam Thắng, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu lại bắt đầu nhộn nhịp rộn tiếng búa, tiếng đục. Đó là thời điểm người dân làng nghề mộc nổi tiếng này bắt đầu cho mùa mua bán, phụ vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán tấp nập. Sản phẩm của 2 làng nghề rất đa đa dạng, nổi tiếng, nhất là bàn ghế cao cấp, giường, tủ kệ, tủ quần áo, bàn thờ… Các sản phẩm của làng mộc Quỳnh Hưng được khách hàng ưa chuộng là vì chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Từ những sản phẩm có giá thành vài triệu đồng; cho đến những bộ bàn ghế hàng trăm triệu đồng; đều được những người thợ ở đây chăm chút tỉ mỉ, thể hiện tính mỹ thuật cao qua các chi tiết, trang trí.
Vậy nhưng, năm nay do kinh tế khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ khiến những ngày cuối năm đìu hiu.
Chị Lê Thị Linh (32 tuổi) - chủ một cơ sở kinh doanh đồ gỗ ở xã Quỳnh Hưng cho biết, năm nay sức mua giảm rất mạnh. Cả năm, hàng chỉ bán được khoảng 50% so với năm trước. Hàng hóa tồn đọng nhiều, khiến cơ sở phải cắt giảm nhân công. Mặc dù đã gần Tết nhưng cả ngày cũng không thấy khách hàng nào đến hỏi mua hàng.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Phạm Công Lực (chủ một cơ sở đồ gỗ) than thở, những năm trước, cơ sở phải thuê thêm thợ làm cả ngày cả đêm đến tận 23 Tết mới kịp hàng để giao cho khách. Dịp Tết, thường các đồ như bàn thờ tổ tiên, ông tài, ông địa…bán rất chạy. Nhưng năm nay hàng sản xuất ra hầu như đều bị tồn kho, không bán được. “Nhân công của làng mộc ít việc, tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa xẻ cũng giảm dần…đìu hiu trông thấy” - anh Lực buồn bã. Ông chủ cơ sở đồ gỗ này chia sẻ thêm, chưa bao giờ nghề kinh doanh đồ mộc ở đây lại ế ẩm như năm nay. Đa số các hộ dân chỉ sản xuất cầm chừng, mỗi xưởng nhân công làm chỉ còn một vài người. Nhiều thợ mộc không có việc làm phải chuyển nghề. Đồ gỗ làm xong tồn đọng nhiều, đơn hàng mới không có, cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Lực cũng phải cho nhân công nghỉ việc, chỉ giữ lại 2 thợ mộc lành nghề.
Thiếu đơn hàng, các cơ sở buộc phải tiết giảm sản xuất, giảm giá sản phẩm… đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh thành song vẫn không mấy khả quan. Đồ mộc "tắc" đầu ra khiến nhiều lao động sống dựa vào nghề này cũng gặp khó khăn. Công việc thất thường, thu nhập giảm, nhiều thợ mộc đành bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động.
Năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng là 2 làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cấp tỉnh. Cả 2 làng nghề đều được đầu tư máy công nghệ hiện đại. Các sản phẩm của làng nghề được khách hàng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở địa bàn tỉnh Nghệ An mà còn khắp các tỉnh thành khác.
Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết, thống kê toàn xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có hơn 300 hộ gia đình sản xuất đồ mộc. Nhưng nay chỉ còn hơn 100 hộ còn bám trụ lại với nghề. Nhiều cơ sở kinh doanh thua lỗ nên phải chuyển đổi nghề nghiệp. Trước đây, toàn xã có hơn 800 người làm nghề thợ mộc, đánh bóng đồ mộc thì nay cũng chỉ còn chưa đến 400 người còn việc làm. Số còn lại đều đã đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Liệu rằng, với sự ra đời của nhiều sản phẩm bằng nhựa, nhôm, kính…làng mộc Quỳnh Hưng có mất dần thị phần, dẫn đến mai một.
Theo ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng, nghề mộc đem lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Trung bình mỗi năm doanh thu từ nghề mộc đạt trên 200 tỷ đồng, tạo ra hàng trăm việc làm tại chỗ. Tuy nhiên, năm nay doanh thu giảm nhiều do hàng hóa ế ẩm. Hầu hết các cơ sở đang tồn đọng hàng hóa nhiều.