C hỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này các lò nấu mật mía truyền thống ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) liên tục đỏ lửa để cho ra những giọt mật mía vàng ruộm, chất lượng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết.
Thạch Thành là vùng nguyên liệu trồng mía lớn nhất của Thanh Hóa. Ngoài việc cung cấp mía cho các nhà máy đường, loại cây này còn được dùng để sản xuất mật. Từ tháng 9 âm lịch, các lò nấu mật mía của người dân khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân bắt đầu đỏ lửa suốt ngày đêm để sản xuất, phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Công đoạn đầu tiên để làm mật là đưa mía vào máy ép để lấy nước, sau đó đưa vào lò nấu trên các chảo cỡ lớn. Sau nhiều giờ đun nấu, nước mía sẽ sủi bọt trắng trào ra, lớp mật cô đọng phía dưới đáy. Lúc này, những người thợ sẽ vớt bỏ lớp bọt ở phía trên rồi dùng vải màn lọc lấy dòng mật sánh mịn, xong để nguội.
Bà Vũ Thị Phương (42 tuổi), là hộ sản xuất mật mía nhiều nhất khu vực cho biết: So với giá bán cho nhà máy là hơn 1 triệu đồng/tấn, việc dùng mía của gia đình để nấu mật sẽ bán được từ 15.000 - 17.000đồng/kg, tạo ra lợi nhuận cao hơn. Mỗi dịp Tết, gia đình bà Phương xuất ra thị trường khoảng 500 tấn mật, trừ hết chi phí sản xuất và nhân công, ước tính, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Với người dân làm mía huyện Thạch Thành, nghề nấu mật đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho các gia đình nơi đây, cũng là một nét văn hóa riêng có của vùng đất này.