UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5848/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Như vậy, theo các điều khoản của Đề án, phải chăng việc bán hoa quả rong trên các đường phố sẽ không còn?
Theo nội dung Đề án, phấn đấu trong năm 2018, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.
Hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành có đăng ký kinh doanh có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng...
Bên cạnh đó, 100% người kinh doanh trái cây có kiến thức, được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định còn trong năm 2017 này, 60% các cửa hàng bán trái cây phải có đăng ký kinh doanh.
Cùng đó, để quản chặt chất lượng hoa quả, Đề án cũng đưa ra quy định nhằm kiểm soát chất lượng mặt hàng này, như: đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp. Nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực.
Riêng đối với trái cây nhập khẩu, phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây của các cửa hàng phải lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây.
Về trực quan, trái cây bán tại các cửa hàng sẽ phải đảm bảo nguyên vẹn, không dập nát, hư hỏng, đảm bảo mùi vị đặc trưng và không có mùi vị lạ. Các loại hoa quả cũng phải đảm bảo chỉ tiêu tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
Hiện nhu cầu sử dụng trái cây của người dân Hà Nội lên đến 52.000 tấn/tháng, trong khi lượng trái cây sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu, tương đương 9.360 tấn. Lượng trái cây nhập khẩu đáp ứng 15% nhu cầu, tương đương 7.800 tấn. Lượng trái cây nhập từ các tỉnh, thành về Hà Nội chiếm tỷ lệ lớn 67% nhu cầu, tương đương 34.840 tấn.
Điều đáng nói ở đây là tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, bảo quản khiến nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng rất phổ biến.
Mặt khác, thói quen dễ dãi, tùy tiện trong mua sắm của người tiêu dùng khiến tình trạng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, và an toàn giao thông mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với trái cây
Bà Trần Phương Lan- phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, việc đưa ra giải pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm nói chung và hoạt động kinh doanh trái cây nói riêng trở nên hết sức cấp bách vì những hệ lụy của nó liên quan tới sức khỏe, giống nòi, niềm tin tiêu dùng và sự ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời đây cũng là giải pháp giúp tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội nhằm đảm bảo văn minh, trật tự đô thị, ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.
Vấn đề đặt ra là mục tiêu tốt, định hướng tốt nhưng liệu Đề án có khả thi, khi dẹp bán hoa quả rong tại lòng đường vỉa hè nhưng hệ thống mạng lưới chợ cóc chợ lẻ tại Hà Nội khá phổ biến?
Ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng việc xử lý hoa quả bán rong khó triệt để do tập quán mua bán của người dân, kỷ cương chưa nghiêm. Hay tại một số điểm kinh doanh chợ, có thể đưa hàng hoa quả vào bán có đặc điểm nhận diện cũng khó do mức giá thuê địa điểm bán hàng cao, nhiều người dân buôn thúng bán mẹt không muốn vào kinh doanh. Giới chuyên gia cũng cho rằng, Đề án cần có cơ chế thực hiện rõ ràng để mang lại hiệu quả, bởi mặc dù cần thiết, song Đề án đặt ra nhiều yêu cầu khó khả thi.