Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, cùng với đó những mô hình cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại chiếm ưu thế... đang khiến hình ảnh chợ truyền thống ngày càng mờ nhạt. Chợ truyền thống cần làm gì để lấy lại sức hút?
Đó chính là quang cảnh chung của nhiều chợ truyền thống hiện nay tại Hà Nội. Với diện tích rộng lớn, hàng trăm sạp hàng, quầy hàng san sát nhau, trước đây, chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) đã từng là điểm thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm, bởi vào chợ này như một thế giới hàng hóa thu nhỏ không thiếu bất cứ thứ gì, từ đồ gia dụng cho đến lương thực, thực phẩm, thời trang... Chợ sầm uất từ khi mở cửa cho đến khi đóng.
Thế nhưng, kể từ khi sàn thương mại điện tử phát triển, các kênh bán hàng online mọc lên như nấm thì chợ Ngã Tư Sở cũng trở nên đìu hiu, vắng lặng, khách đến các quầy hàng thưa thớt dần.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở các chợ Cầu Giấy. Từ một khu chợ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp với hơn 200 hộ buôn bán kín cả 2 tầng, nhưng hiện tại, chợ Cầu Giấy chỉ còn gần 30 hộ buôn bán ở tầng 1. Toàn bộ tầng 2 bị bỏ trống.
Hàng hóa dễ cháy trong chợ được bày bán dưới những gian hàng lụp xụp. Chợ ế ẩm, xuống cấp, hàng hóa lèo tèo nên nhiều tiểu thương buộc phải rời đi nơi khác mưu sinh.
Chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cũng không khá hơn. Với khuôn viên khoảng hơn 1.000m2 có đến 199 điểm kinh doanh, chợ đã từng là điểm thu hút kẻ bán người mua nhộn nhịp hàng ngày. Hiện tại thì không còn cảnh sầm uất như trước nữa. Hàng quán đìu hiu, vắng khách.
Chị Thu Hương (tiểu thương bán đồ thực phẩm tại chợ) cho biết, ngồi cả ngày cũng chỉ có vài khách quen đến mua, ế ẩm vô cùng, không còn cảnh hết hàng phải tất bật đi lấy hàng phục vụ khách như trước nữa.
Một phần nguyên nhân của tình trạng này, được cho là do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, của các loại hình mua sắm hàng hóa tiện lợi, tiện nghi và nhanh chóng, song mặt khác, còn do các loại hình chợ truyền thống đã xuống cấp, xập xệ sau hàng chục năm hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí an toàn, vệ sinh cũng như vấn đề phòng cháy chữa cháy... khiến cho người dân e ngại khi đến mua sắm.
Giới chuyên gia nhận định, do tình hình kinh tế khó khăn nên hiện nay nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó hoạt động mua, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, các loại hình kinh doanh khác như: siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi… đã tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, bản thân các chợ truyền thống cũng không được đầu tư mới, ngày càng xập xệ, thành ra càng khó cạnh tranh với các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại và tiện nghi.
Số liệu thống kê cho hay, tại Hà Nội hiện có khoảng 540 chợ truyền thống. Mô hình chợ này đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.
Thế nhưng những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống bị xuống cấp nghiêm trọng, lụp xụp, nhếch nhác, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại...
Giới chuyên gia nhận định, để có thể hấp dẫn được người tiêu dùng, các chợ truyền thống cần được tổ chức, nâng cấp, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá rõ ràng, đa dạng các hình thức bán hàng…
Chợ truyền thống cần chủ động nâng cấp và làm mới mình để thích ứng với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở các khía cạnh: chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán”, người tiêu dùng vẫn có văn hóa trả giá… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả thì loại hình bán lẻ truyền thống khó cạnh tranh với các mô hình bán lẻ hiện đại.
Chính bởi vậy, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao về hình thức, chất lượng, độ thuận tiện... thì các chợ truyền thống cần tiếp tục đổi mới, thay vì bó buộc trong cách thức bán hàng truyền thống.
Các tiểu thương tại các chợ cần chủ động thay đổi dịch vụ bán hàng để thích nghi với sự đổi mới của xã hội, đơn cử như bán hàng online, giao hàng tận nơi... qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chợ truyền thống thường có vị trí đắc địa, là nơi giao nhau giữa nhiều phường, dân cư đông đúc nên rất có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự đầu tư về hạ tầng, có tầm nhìn dài hạn, chợ sẽ thu hút người dân, nhất là du khách phương xa đến tham quan, mua sắm, ăn uống.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh giữa chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đó là quy luật thương trường, là vấn đề tất yếu, nhưng khi nguồn vốn của siêu thị mạnh hơn thì chợ truyền thống không thể cạnh tranh trực diện.
Thay vào đó, cần dựa vào những nét riêng trong văn hóa tiêu dùng của người dân để khai thác. Bởi, với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam, chợ truyền thống vẫn là một nét văn hóa khó có thể thay thế. Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, chợ truyền thống có những thế mạnh mà các loại hình hiện đại khác khó có thể “đánh bại”.
Do đó, với mô hình chợ truyền thống cần có sự kết hợp, tận dụng các ngõ ngách mà các siêu thị, trung tâm thương mại khó có thể thâm nhập, đa dạng hóa sản phẩm, giá cả và chi phí bán hàng để tận dụng hết các phân đoạn thị trường, và mở rộng thị trường tạo loại hình kinh doanh bền vững thông qua hệ thống đa kênh và nên thu hút khách bằng những giá trị độc đáo, riêng có của loại hình chợ này.
Giới chuyên gia nhận định, chợ truyền thống có thế mạnh là đa dạng mặt hàng, chợ còn là nếp sống của một số người tiêu dùng, là nét văn hóa đẹp không thể thay thế hoàn toàn bởi kênh mua sắm khác. Theo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, chợ truyền thống có thế mạnh tương tác xã hội, là nơi hội tụ kinh tế, tương tác cộng đồng, văn hóa chứ không chỉ điểm bán sỉ - lẻ đơn thuần.