Sau Tết Nguyên đán, cứ ngoài mùng 10 âm lịch khắp các con phố, xóm làng ở TP. Hội An (Quảng Nam) bắt đầu vào mùa lễ cầu an "xóm".
Đây được xem như ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người phố Hội, bởi ở đó người dân cầu bình an cho xóm làng, cầu an yên trên các con đường của xóm, cầu cho mưa gió thuận hoà, cầu cho những chuyến đi biển của bà con được nhiều cá tôm và bình yên trở về...
Đây cũng là dịp để tất thảy bà con trong xóm ngõ và cả những người con xa quê trở về ngồi bên nhau cùng nấu những món ăn và bày biện mâm cúng, để kính cẩn báo cáo với các chư vị thần linh, thành hoàng thổ địa cai quản vùng đất các việc đã làm được năm qua.
Nghi lễ này được các xóm ấn định một ngày giờ nhất định trong tháng Giêng. Bên cạnh bánh trái, xôi chè, khoai sắn, heo quay, gà luộc... còn có những mâm tiền vàng và không thể thiếu là Long Chu (thuyền rồng). Trên thuyền đặt một bát hương, đôi đèn sáp, sản vật và đồ cúng mặn để cúng tế thần sông nước.
Người trưởng xóm làm chủ lễ kính cẩn báo cáo các chư vị thần linh. Sau đó những người dân thắp nhang kính cáo trước ban thờ với ước muốn một năm thuận hoà, hanh thông. Trước hôm diễn ra lễ chính, thanh niên trong xóm đẩy xe đi xin những chậu hoa của các gia đình mang ra trưng dọc con đường bên lăng tạo nên con đường hoa.
Kết thúc phần lễ những thanh niên trai tráng của xóm thả Long Chu ra biển cùng những lời ước vọng cho xóm làng bình yên. Sau đó, họ trở về bên nhau cùng ăn cơm, trò chuyện, thăm hỏi và ca hát.
Lễ cầu an xóm còn được xem là hoạt động để bà con lối xóm thêm hiểu, thêm yêu thương, gắn kết cùng nhau tạo nên một Hội An nghĩa tình, đoàn kết để cùng gìn giữ giá trị di sản phố cổ.