Tôi biết Lê Thiết Cương từ chiếu rượu Đặng Đình Hưng vào giữa thập niên 80. Dạo ấy, Cương vừa rời quân ngũ và thành sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.
Do bà Thảo mẹ Cương là bạn ông Hưng, lại ở gần nhà ông cùng khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) nên Cương thường sang giúp việc vặt cho chiếu rượu nhà ông.
Lúc là đi xích lô lên phố đón Trần Dần, Hoàng Cầm đến chiếu rượu. Lúc là đi mua thêm rượu nếu các cụ cao hứng. Lúc thì… Thôi thì đủ thứ việc lặt vặt. Cương cứ thế lặng lẽ giúp cho chiếu rượu vui, vì chiếu rượu chính là một giảng đường đặc biệt dành cho sinh viên Lê Thiết Cương.
Cương đã nghe từ đấy, đủ chuyện thượng vàng hạ cám, đã học từ đấy những chắt rút một đời của các đáng đại nhân, nhất là học được từ chủ chiếu rượu Đặng Đình Hưng.
Ở đấy, Cương đã từ những bức vẽ của ông mà bắt đầu ngộ ra, bén duyên với hội họa tối giản. Sau triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1991 mang tên “Đồng dao”, Cương đã trở thành một trong những họa sĩ lứa đổi mới có nhiều thành công ở các triển lãm quốc tế và có duyên “bán tranh” cho người mến mộ hội họa.
Biết Cương từ ấy và theo dõi những thành công của anh từ lâu. Nhưng đến năm 2013, do duyên trời, chúng tôi mới thành một cặp gắn bó, chia sẻ từng ngày. Nhất là mùa đại dịch, tôi cứ từ Hàng Bông sang Lý Quốc Sư, ngày nào cũng như ngày nào, đi xuyên qua phố xá vắng ngắt để ngồi nhâm nhi cùng nhau, để chầm chậm đi qua đại dịch.
Từ đấy, tôi mới được chứng kiến, mới được chia sẻ những sáng tạo hội họa và những hoạt động văn hóa của Cương với một sức lao động bền bỉ đến phi thường. Cương không cho thời gian của mình được ngơi nghỉ. Vừa xong triển lãm cá nhân, lại nghĩ đến triển lãm của nhóm. Vừa xong việc tổ chức bản thảo in sách cho tác giả này lại nghĩ đến tác giả khác. Những triển lãm ngày một khẳng định vị thế của Cương cũng như các họa sĩ trong nhóm Cương giữa làng hội họa. Riêng Cương, biệt lập một tư tưởng tối giản. Tư tưởng chứ không còn là phong cách nữa.
Nếu ở giữa những triển lãm cá nhân của Cương trước năm 2013 nổi bật là “Hạt gạo”, thì sau 2013, Cương bình thản đi từ “Ghép” (2013) đến “Tìm” (2014), tới “Mặt” (2016)… Từ ý tưởng cho triển lãm “Thơ gốm” (2016) và bình gốm ghi thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Trạng Trình cùng năm Cương đã đi tới đỉnh điểm là triển lãm “Kinh gốm”. Đối với Cương, gốm là đạo, là sản phẩm vốn mang tính mỹ nghệ của làng nghề Hương Canh, Phù Lãng, gốm Thanh Hà, gốm Bát Tràng nhưng khi nó mang trên các sản phẩm ấy nét vẽ và những câu kinh, những câu thơ thì nó trở thành tác phẩm hội họa độc đáo. Độc đáo hơn là vì nó được trình bày bằng nghệ thuật hội họa tối giản…
Song hành với hội họa, Cương còn say mê điêu khắc đương đại cùng với triết lý tối giản. Năm 2016, Cương có triển lãm điêu khắc đầu tiên có tên là “Mặt”.
Triển lãm gồm ba phần. Phần đầu là “Hạt gạo”, phần giữa là “Âm dương” và phần cuối là “Chân dung”. Cương gọi 3 phần là 3 chương. Họa sĩ - nhà báo Trịnh Tú đã viết về điêu khắc của Cương đầy trân trọng: “Phát hiện đáng kể trong điêu khắc của anh là từ chối hình khối để bước sang diện cắt và nhịp điệu của khối, của mảng, hướng cái nhìn vật thể vào rất nhiều không gian, thoát ra những quy định cụ thể. Anh đã tìm được ngôn ngữ điêu khắc của riêng mình, giống như anh đã làm được ở hội họa”.
Năm 2019, anh lại triển lãm tại Hà Nội và Huế triển lãm điêu khắc thứ 2 cũng rất khác biệt mang tên “Chuyện ghế”. Ở đây, Cương đã nâng chiếc ghế, là vật dụng để ngồi thường ngày trở thành một tác phẩm điêu khắc nhưng về sức bền của vật liệu thì chiếc ghế vẫn duy trì được khả năng ngồi của nó. Ở Huế, tại một bãi cỏ góc Đông Khuyết Đài - kinh thành Huế, những chiếc ghế được bày trên màu xanh của cỏ thấy có sức sống nhường bao. Ghế của Cương lại gợi thi cảm trong tôi:
Muốn ngắm mãi, ngắm lâu
Những chiếc ghế đứng cô đơn đẹp lạ
*
Giữa muôn triệu kiểu ghế
ghế Cương như khắc vào đời
*
Mảnh mai mà chắc. Vững mà khơi vơi
ghế như người buông lơi số phận
*
Biểu tượng của quyền uy bỗng thành ngớ ngẩn
trước vẻ đẹp an nhiên bình thản giữa trời
Cũng là ghế nhưng hình như không phải để ngồi…
Điêu khắc của Cương còn đẹp và lạ khi hóa thân vào những con vật trong triển lãm chung với các điêu khắc gia khác là Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận và Vũ Hữu Nhung với cái tên “Con giống”. Ở đấy, chất liệu đồng được anh thổi vào sự phóng khoáng không giới hạn.
Ở trong con người Lê Thiết Cương họa sĩ, còn có một Lê Thiết Cương - nhà văn hóa. Bằng tiền bán tranh, Cương trở thành người sưu tập đồ cổ có thứ hạng. Sưu tập nhưng không buôn đi, bán lại. Sưu tập để đến một lúc nào đó làm nên một bảo tàng dâng hiến cho đời. Cũng bằng tiền bán tranh, Cương đã ấn hành nhiều tác phẩm văn học của những tác giả mà Cương yêu mến. Năm 2014, Cương đã ấn hành tập chân dung văn học của tôi với tên là một câu hát của Trịnh Công Sơn “Thôi ta còn bạn bè”. Vài năm sau, Cương lại âm thầm, kiên trì thực hiện mọi công đoạn từ biên tập, chữa lỗi những bản thảo văn hóa của Đào Trọng Khánh khi nhà biên kịch điện ảnh - nhà thơ đã tuổi cao, sức yếu.
Nhờ thế, hai tập sách “Đất và Người” dày dặn của Đào Trọng Khánh đã ra mắt độc giả. Sau khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạ thế, Cương đã làm cuốn sách về nhà văn nổi tiếng bằng bài viết của rất nhiều người. Đấy là một thiện tâm của một nhà văn hóa đối với người bạn vong niên - một nhà văn hàng đầu Việt Nam. Cương còn cùng tôi làm một tập tuyển thơ mang tên “Trường thơ Hải Phòng”. Ai quan tâm văn học cũng biết thời chống Mỹ, Hải Phòng đã góp vào thơ chống Mỹ một giọng điệu gân guốc riêng biệt, đủ sức mạnh để tạo ra một trường thơ giống như “Trường thơ Bình Định” thời tiền chiến.
Những người có giọng điệu nói trên đều được coi là những nhà thơ thuộc “Trường thơ Hải Phòng”. Điều này, các địa phương khác chưa có được. Tuyển tập đã được đón nhận của đông đảo bạn đọc. Kỷ niệm 30 năm ngày mất Đặng Đình Hưng (1990-2020), Cương đã cùng Đặng Thái Sơn (con trai ông Hưng), nhà thơ Hoàng Hưng và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc làm cuốn sách “Một bến lạ” rất dày dặn cả thi, họa của ông.
Kỷ niệm 100 năm sinh Hoàng Cầm (1922-2022), Cương lại cùng tôi làm tuyển tập thơ Hoàng Cầm mang tên “Hoàng Cầm – Trăm bài”.
Trong năm 2023, dù trong hoàn cảnh riêng, Cương vừa bình thản bước qua “đại dịch” của chính anh, vẫn làm bà đỡ cho tập “Thơ Phan Đan” và tập phê bình văn học có giá trị của Nguyễn Thị Từ Huy.
Đấy là một biểu hiện của sự “hưng trong tàn” mà không phải ai cũng được trời ban tặng. Nếu không có chữ “tình” làm sao làm được.
Sang năm mới, Cương lại có dự án làm cuốn “Đặng Đình Hưng - di cảo” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông (1924-2024) và cả cuốn sách tuyển tập những tác phẩm của Lê Đạt dù mới ở mốc 95 năm ngày sinh (1929-2024). Cương vừa là một họa sĩ, vừa là một nhà hoạt động nghệ thuật. Anh làm giám tuyển bao nhiêu triển lãm của các họa sĩ và làm giám khảo nhiều cuộc thi về các làng nghề. Tất cả đều được anh thực hiện bằng một niềm say mê vô bờ bến, một năng lượng dồi dào ngỡ không giới hạn.
Cổ nhân thường bảo, khi đời người qua tuổi “lục tuần” hay “lục thập hoa giáp”, thì con người lại bắt đầu một “hoa giáp” mới của mình cho nên mới có danh từ “lão nhi”. Cương đã kết thúc tuổi “lục tuần” của mình và bắt đầu “hoa giáp” mới bằng việc vượt qua một “đại dịch” của chính mình.
Anh đang hồi phục trở lại bằng những công việc anh thường yêu mến. Một triển lãm nhóm mùa Noel mang tên “Ơn”, một triển lãm và ra mắt sách của họa sĩ đàn anh Linh Chi mà anh làm giám tuyển. Sự hồi phục như một đứa trẻ đang lớn dần trong một người đã qua “lục tuần”. Cùng những bức tranh sơn dầu mới, Cương cũng đã kịp hoàn thành và ấn hành bộ tranh rồng của mình trong một cuốn lịch bàn.
Rồng trong tranh Cương đều mang những câu chuyện của người Việt và đường nét mỹ thuật Việt để đón năm mới - năm Giáp Thìn, với những vui buồn mới của đời nghệ sĩ và cũng rất riêng tư là năm vào “lục tuần” của cô em gái thua Cương hai tuổi. Cứ thế, Lê Thiết Cương sẽ "hưng" qua đại dịch.