Trong bối cảnh chiến sự kéo dài suốt nhiều tháng qua ở thủ đô Tripoli, Libya khi các phe phái tranh giành trữ lượng dầu, nước bỗng dưng trở thành một mối lo ngại hàng đầu của người dân nước này.
Những đứa trẻ chờ lấy nước ở thủ đô Tripoli. Nguồn: AP.
Việc bị cắt nước là điều thường thấy trong cuộc nội chiến kéo dài đã 8 năm ở Libya, nhưng cuộc khủng hoảng nước giờ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở đất nước bị bao phủ bởi nhiều vùng sa mạc này, và càng trầm trọng hơn do các cuộc đối đầu của nhiều chính quyền.
Ở miền Tây Libya, tìm được nước sạch là điều rất khó khăn bởi cả mạng lưới điện và hệ thống quản lý nước đều bị thiệt hại trong cuộc chiến giữa các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar và Chính phủ mà LHQ hậu thuẫn ở Tripoli. “Nước uống trở thành vấn đề thường nhật với gia đình tôi”- ông Usama Mohamed Dokali, sống tại thủ đô Tripoli, nói.
Hiện nay, ngay cả nước đóng chai ở Libya cũng bị nhiễm bẩn. Cơ quan quản lý nguồn nước tại nước này cho hay, nếu vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ gây ra “những hậu quả thảm khốc đối với người dân”. Tổ chức UNICEF trong tháng vừa qua cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự đối với quốc gia từng có thời giàu có nhất khu vực Bắc Phi.
“Chúng tôi ước tính có khoảng 4 triệu người dân Libya đang không có nước sạch sử dụng” – phát ngôn viên của UNICEF Mostafa Omar nói, thêm rằng tình trạng trên khiến người dân mắc phải nhiều loại bệnh như dịch tả, viêm gan A và tiêu chảy – chứng bệnh đặc biệt ảnh hưởng tới trẻ em.
Đường ống dẫn nước bị thiệt hại
Khoảng 80% trong tổng số 6 triệu người dân Libya sống dọc hoặc gần đường bờ biển phía Bắc và dựa vào nguồn nước sạch từ các đường ống dẫn nước từ phía Nam – nơi cũng tập trung nhiều giếng dầu của Libya. Nguồn nước ngầm ở các vùng bờ biển thường bị ô nhiễm do nhiễm nước thải và khoảng 80% các nhà máy lọc nước hiện đã ngừng hoạt động.
Đường ống này cung cấp cho Libya tới hơn 70% tổng lượng nước sạch và đến giờ vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi các nhà máy lọc nước do bị hư hỏng quá nặng nên chưa thể vận hành trở lại. Ngoài ra các nhà máy này cũng thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của các phe phái.
Được biết, các chiến binh bộ lạc sống ở khu vực phía Nam thường phá hủy các đường ống dẫn nước sạch để thúc đẩy giới chức Tripoli thực hiện các yêu sách của họ. Kết quả là 101 trên tổng số 479 giếng nước thuộc hệ thống cung ứng nước sạch đã cạn kiệt.
“Nguồn cung nước chảy từ miền Tây Libya đã giảm từ mức 1,2 triệu mét khối/ngày xuống còn khoảng 800.000 mét khối/ngày ở thời điểm hiện tại, do sự hủy hoại và thiếu nguồn vốn bảo trì” – ông Abdullah El-Sunni, quan chức phụ trách cơ quan quản lý nguồn nước ở Tripoli, cho hay.
Mọi nguồn nước đều ô nhiễm
Trên khắp Libya, nhu cầu nước sạch hàng năm giờ đã tăng lên tới 7 tỷ mét khối, từ mức 5,5 tỷ mét khối trong năm 2011, khi mà các hộ nông dân và người thuộc diện khác ra sức đào giếng lấy nước ngầm. Ước tính đến năm 2025, Libya sẽ cần khoảng 8 tỷ mét khối nước mỗi năm.
Theo bản báo cáo mà UNICEF đang gấp rút hoàn tất, việc các phe phái ở Libya bắt cóc các nhân viên nhà máy nước và đánh cắp các trang thiết bị cung cấp nước chính là một trong số những nguyên nhân chính khiến nguồn nước khan hiếm.
“Nếu không được giải quyết đúng cách và nhanh chóng, những mối đe dọa và tổn thất này có thể khiến các đường ống dẫn nước hoàn toàn ngừng hoạt động” – theo UNICEF.
Ông Sunni cho hay, chất lượng nước ở Libya hiện rất thấp do không được xử lý hoặc xử lý rất ít. Điều này là do Chính phủ thiếu nguồn vốn mua hóa chất và trang thiết bị xử lý. Nhiều quan chức còn đồng quan điểm với người dân khi cho rằng, nước ở Libya hiện tại không đủ sạch để uống.
“Mọi nguồn nước đều bị ô nhiễm” – ông Badr al-Din al-Najjar, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh quốc gia Libya, cho hay – “Không còn có nước đủ sạch để uống, đặc biệt là nguồn nước do Nhà nước cung cấp”.
Được biết, tình trạng khan hiếm nước đã bắt đầu xuất hiện ở Libya kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddài bị lật đổ. Sau sự kiện này, chính quyền Tripoli cũng ngừng đầu tư vào cơ sở nước sạch, không sửa chữa hoặc xây dựng lại các nhà máy nước.