Như đã đưa tin, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Trong đó, Bộ cũng kiến nghị xem xét chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật… Trước vấn đề trên, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vừa chính thức phản hồi tới các cơ quan báo chí.
Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam trao Bằng công nhận cây Lim xanh (Yên Thế, Bắc Giang) là cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể, theo thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định cách làm của Bộ VHTTDL là hướng đến dư luận và có thể làm dư luận hiểu không đúng về sự việc nên Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tự thấy có trách nhiệm thông báo với dư luận về những vấn đề liên quan.
Thứ nhất, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là một tổ chức có pháp nhân được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và khuyến nghị của Tổng Giám đốc UNESCO thế giới. Liên hiệp hoạt động theo Điều lệ được Bộ Nội vụ phê chuẩn, luôn tuân thủ các quy định luật pháp.
Mọi hoạt động của Liên hiệp đều xuất phát từ yêu cầu của trí thức và nhân dân Việt Nam tình nguyện tập hợp xung quanh Liên hiệp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không vì lợi ích của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào.
Liên hiệp là cánh tay nối dài của công tác UNESCO của Chính phủ Việt Nam, có chức năng đối ngoại nhân dân và ngoại giao văn hóa, là thành viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới.
Hoạt động chuyên môn của Liên hiệp gắn với các nội dung chuyên môn thuộc thẩm quyền của UNESCO được quy định tại Điều lệ, đó là giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông.
Thứ hai, theo Điều lệ được Bộ Nội vụ phê chuẩn, “Liên hiệp có nhiệm vụ và nghĩa vụ khen thưởng và trao giải thưởng của Liên hiệp cho các cá nhân và tập thể trong cộng đồng có thành tích đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng đất nước theo tiêu chí UNESCO”, đồng thời có nhiệm vụ “giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ di tích, danh thắng và các hoạt động của hội viên và của cộng đồng có nội dung liên quan đến UNESCO khi có yêu cầu”.
Điều lệ cũng quy định “Hội viên, tổ chức của Liên hiệp có đóng góp xuất sắc cho Liên hiệp; các tập thể cá nhân trong và ngoài nước có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của Liên hiệp, cho đất nước phù hợp với tiêu chí của Liên hiệp và UNESCO thì Liên hiệp xem xét khen thưởng hoặc được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng”.
Các hình thức chứng nhận và khen thưởng mà Liên hiệp thực hiện hoàn toàn không phải là hoạt động “xếp hạng di tích” cấp Nhà nước, hoặc “tôn vinh các danh hiệu cao quý cấp Nhà nước” như Bộ VHTTDL cố tình áp vào Luật Thi đua khen thưởng, Luật Di sản.
Tất cả các hoạt động này là hướng đến việc động viên, tuyên dương khuyến thích hội viên và cộng đồng có thành tích đóng góp vào những hoạt động của Liên hiệp vì lợi ích của nhân dân, lợi ích xã hội và quốc gia theo con đường tự nguyện của nhân dân.
Các hoạt động khen thưởng này được Liên hiệp thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi, bổ sung của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, việc Bộ VHTTDL viện dẫn các công văn của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng việc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vinh danh và cấp bằng công nhận là “không thuộc quy định của pháp luận hiện hành” vì vậy kết luận là các tổ chức này “vi phạm các quy định của luật pháp về luật thi đua khen thưởng, luật di sản, tín ngưỡng, tôn giáo” là cách nhận thức đi ngược với hiểu biết cơ bản về luật pháp.
Tinh thần tuân thủ luật pháp mà mọi công dân Việt Nam đều hiểu là không được phép tự do làm những việc đã được luật pháp quy định, được làm những gì luật pháp chưa hoặc không quy định, hoặc không cấm và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước luật pháp.
Hoạt động thi đua khen thưởng, cấp chứng nhận của Liên hiệp trong 25 năm qua chưa từng bị hiểu nhầm sang hình thức thi đua khen thưởng của Nhà nước bởi các hoạt động này được thực hiện bằng danh nghĩa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, thuộc thẩm quyền và nội dung hoạt động của Liên hiệp, phù hợp với hành lang của luật pháp và không nằm trong diện quy định và điều chỉnh chính sách của luật pháp.
Thứ tư, những nội dung nêu trong các công văn của Bộ VHTTDL đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín định của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, thậm chí gây nhiều tổn thất cho các hoạt động hợp pháp của hội viên Liên hiệp tại nhiều địa phương, trong khi, theo đánh giá của Bộ Tư pháp tại công văn số 208/KTrVB-KGVX, ngày 16/5/2017 trả lời Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, thì “công văn 932/BVHTTDL-TTr của Thứ trưởng Bộ VHTTDL không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Do đó “Trên thực tiễn thi hành pháp luật, nếu các cơ quan, công chức nhà nước viện dẫn những nội dung nêu tại Công văn số 932/BVHTTDL-TTr để thực hiện hành vi trái với quy định luật pháp hiện hành, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam thì sẽ không bảo đảm tính hợp pháp và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật”.
Thứ năm, thực hiện nghị quyết của BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ngày 27/3/2017 và ngày 9/9/2017 thì Liên hiệp sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tiến hành kiểm tra lại các sự việc mà hai công văn của Bộ VHTTDL đã nêu để có đánh giá kết luận đúng tình hình, trả lại công bằng cho các tổ chức có liên quan, đặc biệt giúp hàng ngàn trí thức đang hoạt động trong tổ chức của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam giữ được niềm tin vào sự công bằng xã hội, tin tưởng vào hệ thống luật pháp hiện hành, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho hàng nghìn hội viên của mình đang hoạt động trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống, là sự nghiệp toàn dân đang được nhiểu tầng lớp nhân dân quan tâm và nhiệt tình tham gia đóng góp, BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sẽ phải thực hiện trách nhiệm làm rõ về mặt luật pháp với các cấp chính quyền địa phương về những nội dung không chính xác, không đúng sự thật như Bộ VHTTDL nêu trong các công văn gửi các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của hội viên, thông tin đúng tình hình với công luận để quần chúng nhân dân hiểu đúng sự việc, trả lại danh dự cho Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Báo cáo của Bộ VHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.