Việc ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam khiến dư luận hết sức bàng hoàng và phẫn nộ.
Đáng lẽ khi cả nước đang gồng mình chống dịch, là PGS.TS.BS và là người đứng đầu một cơ quan chống dịch bệnh rất quan trọng ở Thủ đô, ông Cảm phải lăn xả chống dịch. Đằng này ông lại cùng “bộ sậu” lại câu kết, thông đồng với doanh nghiệp nâng “khống” giá mua máy xét nghiệm phòng, chống dịch để đút túi riêng “tiền tỉ”.
Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và “bộ sậu” thông đồng, thổi giá máy xét nghiệm, “ăn chênh” tiền tỉ.
Thông đồng “thổi giá” đút túi tiền tỉ
Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 trong nước, và nhất là tại Hà Nội diễn biến phúc tạp, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng, chi phí bảo trì của doanh nghiệp để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc mua sắm nêu trên được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, CDC Hà Nội vận hành 8 máy xét nghiệm Reatime PCR, khoảng 17.000 bộ test nhanh chưa sử dụng và 341 máy thở. Đơn vị này bổ sung kinh phí đợt 2 để mua thêm 37 máy thở, nâng tổng số máy thở thành 378 chiếc. Từ khi dịch Covid bùng phát tại Hà Nội, với cương vị Giám đốc CDC Hà Nội, tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm đều có mặt dự họp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố ngày 17/4, ông Cảm không có mặt. Lúc này, thành phố Hà Nội mới thông tin, lý do ông Cảm vắng mặt là do ông này bị Cơ điều tra của Bộ Công an mời lên làm việc về những vi phạm trong mua sắm thiết bị y tế. Ngay sau đó, Bộ Công an xác nhận, việc ông Cảm bị điều tra là do cơ quan công an nhận được thông tin tố giác tội phạm.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan. Đồng thời, cơ quan điều tra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội); Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán của CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành); Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech); Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông); Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội).
Từ đây, chiêu thức câu kết để “thổi giá”, nâng khống giá trị máy xét nghiệm của các đối tượng dần “lộ sáng”. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỉ đồng. Như vậy, ông Cảm cùng các thuộc cấp đã câu kết với các đối tượng khác nâng khống giá trị, hưởng chênh lệch mỗi máy xét nghiệm hơn 4 tỉ đồng để chia chác đút túi.
Giám đốc CDC Hà Nội sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi), được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm chức vụ Giám đốc CDC Hà Nội vào tháng 9/2018. Trước khi nhận chức vụ này, từ năm 2013, ông Cảm giữ chức giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Đáng chú ý, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ông Cảm từng bị cấp dưới tố cáo sai phạm, trong đó có nhiều khoản tiền thu nhập bất thường so với tiền lương quy định của Pháp luật.
Đến năm 2018, ông Nguyễn Nhật Cảm được công nhận chức danh PGS và tham gia giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc CQĐT khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu” là hoàn toàn có cơ sở. Hơn nữa, khởi tố vụ án mới chỉ là hoạt động ban đầu để mở ra một quy trình tố tụng chứ chưa phải là hoạt động có ý nghĩa kết luận về tội danh mà các bị can thực hiện. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu nhận thấy hành vi khách quan mà các bị can đã thực hiện, tư cách chủ thể của các bị can… cấu thành một tội danh khác liên quan tới chức vụ, quyền hạn như các tội danh về tham nhũng thì khi đó CQĐT sẽ tiến hành thay đổi quyết định khởi tố đối với các bị can.
Luật sư Cường phân tích, khi bị khởi tố ở Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự với tội danh trên, thì bản thân các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên tới 20 năm tù. Đây là khung hình phạt của tội đặc biệt nghiêm trọng.
“Những bị can bị khởi tố trong vụ việc nêu trên ít nhiều là những người công tác trong lĩnh vực y tế hoặc ít nhiều liên quan tới ngành y tế. Đây là đội ngũ nằm trong tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh, do vậy hơn ai hết, các bị can cần phải có ý thức cao trong việc làm tốt các nhiệm vụ của mình để đóng góp vào mục tiêu chung. Tuy nhiên, vì lợi ích của bản thân, của nhóm các bị can đã phớt lờ đi sự an toàn của xã hội. Với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội nêu trên, khi vụ án được đưa ra xét xử, nhiều khả năng các bị can sẽ bị xem xét áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự hiện hành như tình tiết: Phạm tội có tổ chức hay tình tiết lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội”- theo Luật sư Cường.