Quốc hội

Lo ngại AI, tự động hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra thất nghiệp

Việt Thắng 07/05/2025 14:59

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo ngại khả năng thất nghiệp của người lao động trong quá trình chuyển đổi số, tự động hoá

binh7-5.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 7/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm sửa đổi. ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 41, dự thảo Luật quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức hưởng 60% tiền lương là mức thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh.

Tham chiếu quốc tế cho thấy, theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 - 75% thu nhập bình quân, nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang áp dụng mức 66 - 70%.

Từ đó, ông Bình kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối thiểu bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.

Về hỗ trợ người sử dụng lao động, đào tạo lại lao động, Điều 44, theo ông Bình, hiện Luật chỉ tập trung vào lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ, thiên tai, tuy nhiên hiện nay chuyển đổi số, AI, tự động hóa đang là những nguyên nhân hàng đầu gây ra thất nghiệp cơ cấu, tức là mất việc do kỹ năng không còn phù hợp, không phải do doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, song điều Luật chưa nhận diện cụ thể nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này, dẫn đến thiếu cơ chế hỗ trợ kịp thời.

Theo ĐB Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai), theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi. Thực tế cho thấy, nhóm lao động này chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng sẵn có hoặc lao động giản đơn, không yêu cầu cao về thể lực. Do đó, cần cân nhắc tính khả thi khi thiết kế chính sách đào tạo, đào tạo lại cho đối tượng này, tránh lãng phí nguồn lực và bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.

khai7-5.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

ĐB Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nêu quan điểm, vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng trong dự thảo Luật. Dù có chính sách vay vốn nhưng Luật chưa nêu cụ thể khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng việc làm.

“Khu vực tư nhân hiện thu hút 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến năm 2030 đạt 84% đến 85%. Nếu Luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân thì chúng ta khó đạt mục tiêu đó, tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, ông Khải chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ông Khải cũng cho rằng, định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, chương trình rõ ràng. Luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh.

Theo ông Khải, dự thảo chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành, hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm thiếu phối hợp đồng bộ dẫn đến có thể chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi. Để hoàn thiện dự thảo Luật, ông Khải đề xuất bổ sung tại Điều 4 khoản 1 nội dung theo hướng ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời, mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.

Cùng với đó, dự thảo luật cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Cụ thể, bổ sung tại Điều 9 khoản 2 nội dung doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bổ sung tại Điều 23 khoản 1 nội dung “xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số”. Cũng như bổ sung tại Điều 16a mới nội dung “Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng”.

Ông Khải cũng kiến nghị, bổ sung tại Điều 6 khoản 2 đ nội dung quy định rõ cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách việc làm, nhằm phân định trách nhiệm từ trung ương đến địa phương, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.

“Nếu được bổ sung các nội dung nêu trên, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ thể chế hóa đầy đủ nhất và kịp thời nhất chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 18, giúp cho kinh tế tư nhân phát triển, khơi dậy nguồn lực nội sinh của dân tộc, khu vực tư nhân phát huy tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm mới, người lao động nâng cao kỹ năng, nắm bắt cơ hội mới và nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên số”, ông Khải cho hay.

ĐB Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) cũng đề nghị bổ sung chính sách tái đào tạo lao động gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, có chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do thay đổi công nghệ.

Bởi lẽ, theo bà Thư: Trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm và tụt hậu kỹ năng. Mặc dù chúng ta đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp. Điều này mới đang giải quyết ở phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc làm khi mới học nghề.

Bà Thư đưa ra dẫn chứng: Ở một số quốc gia phát triển như Singapore, Đức và Đan Mạch đã có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới, chuyển ngành nghề phù hợp, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cùng với đó là xây dựng nền tảng công nghệ kết nối với việc làm và học tập liên thông, giúp giảm độ trễ công nghệ thông tin và tăng cơ hội tiếp cận nghề mới như Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí 100% cho người lao động cao tuổi hoặc làm việc trong những ngành nghề lỗi thời.

"Vì vậy cần nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật Việc làm vấn đề hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, triển khai trợ cấp, tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với lao động là người khuyết tật", bà Thư bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại AI, tự động hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra thất nghiệp