Mặc dù không phải là cao điểm của mùa dịch nhưng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận 5 và quận 12. Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 574 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016.
Vì sao sốt xuất huyết năm nào cũng tăng?
Năm nào cũng vậy, phòng chống sốt xuất huyết luôn được ngành y tế TP HCM đặc biệt quan tâm, nhất là những khu vực người dân còn lơ là trong việc gìn giữ môi trường, phát sinh nhiều ổ loăng quăng…Thế nhưng, dịch sốt xuất huyết vẫn năm sau cao hơn năm trước và đáng ngại nhất là vẫn còn những trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Về nguyên nhân, theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã kiểm tra, làm việc về công tác phòng chống dịch bệnh tại quận 12, tại khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12 nơi vừa có ca tử vong do sốt xuất huyết, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều ổ chứa lăng quăng, người dân vẫn xả rác bừa bãi. Đặc biệt, khu vực này có nhiều hộ dân nuôi bò, gà, chim... tự phát. Đây chính là các tác nhân gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.
Theo thống kê sơ bộ từ tháng 10-2016 đến tháng 2 vừa qua, trung bình mỗi tuần phường Hiệp Thành ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết, chưa kể những trường hợp điều trị ở các cơ sở tư nhân không báo cáo. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân ở đây chưa cao. Khi ngành chức năng cử lực lượng giúp người dân vệ sinh xung quanh nhà cửa, loại bỏ ổ loăng quăng thì không nhận được sự hợp tác.
Đây cũng là vấn đề chung, nan giải của nhiều địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Nhiều người dân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch. Đó cũng là lý do vì sao dịch bệnh cứ năm sau tăng cao hơn năm trước.
Tại Vũng Tàu, theo thống kê từ các cơ sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 574 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 2 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Đặc biệt một số các huyện như Tân Thành, Châu Đức sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Ngành y tế cũng đã phát hiện 162 ổ bệnh sốt xuất huyết, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý được 149 ổ bệnh, các ổ bệnh còn lại cũng đang được xử lý ráo riết.
Đáng lo ngại nhất hiện nay, theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường khiến cho muỗi vằn (trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết) có sự biến đổi phức tạp tạo sức đề kháng để sinh tồn, tăng khả năng thích nghi phát triển với môi trường sống kể cả trong thời điểm mùa khô.
Phòng bệnh cách nào?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.
Hiện nay nhiều người vẫn còn nhầm lẫn về những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết dẫn đến không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh diễn biến nặng. Bởi vậy khi xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
Có thể có nổi mẩn, phát ban. Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nếu thấy người thân của mình xuất hiện các triệu chứng trên cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa. Dùng thuốc hạ sốt, chườm mát. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Các gia đình cần dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, loại bỏ các vật dụng là nơi sinh sản, trú ngụ của loăng quăng, muỗi vằn.
Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành y tế một số tỉnh, thành đã phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM đánh giá lại hiệu quả các loại hóa chất diệt muỗi để chọn danh mục hóa chất theo quy định của Bộ Y tế phù hợp nhất với tình hình, điều kiện tại địa phương.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày và có thể có các dấu hiệu sau: Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội |