Trung bình mỗi năm, thức ăn thủy sản tăng giá 5-7 lần. Thức ăn chiếm 75% giá thành nuôi tôm, nên lợi nhuận nuôi tôm rơi hết vào túi mấy DN FDI sản xuất thức ăn.
Ảnh minh họa.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng khoảng 10%/năm, riêng năm 2015, dự báo thị trường cần là 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số lên tới 6 tỷ USD. Thị phần thức ăn chăn nuôi được đánh giá là miếng bánh béo bở nhưng đáng tiếc thay lại bị doanh nghiệp ngoại chi phối.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc nhận định: Người chăn nuôi đang nuôi sống DN sản xuất thức ăn chăn nuôi. Song thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang do các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ)… chi phối.
Trong số các doanh nghiệp nước ngoài đứng đầu về doanh thu và doanh số tại Việt Nam phải kể đến chính là Cargill và CP. Doanh thu của Cargill năm 2014 là 900 triệu USD, còn doanh thu CP có thể cao gấp đôi, gấp ba. Hiện CP và Cargill đang nắm tới gần 30% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam (Cargill 9% thị phần, CP gần 20% thị phần).
Cả Cargill lẫn CP cùng với hơn 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính ra đang giữ tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước, dù lực lượng đông đảo (gần 240 doanh nghiệp), song chỉ chia nhau miếng bánh nhỏ còn lại, với doanh thu khiêm tốn.
Đứng ở góc độ giá cả, giá thức ăn chăn nuôi thường xuyên thay đổi. Nếu không muốn nói là các doanh nghiệp ngoại sử dụng chiêu bài bắt tay tăng giá, dù biết giá cao nhưng người nông dân vẫn phải mua vì không có sự lựa chọn nào khác. Đơn cử, nhiều người dân nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng bỏ đầm treo ao diễn ra khá nhiều do lợi nhuận nuôi tôm không có.
Trung bình mỗi năm, thức ăn thủy sản tăng giá 5-7 lần. Thức ăn chiếm 75% giá thành nuôi tôm, nên lợi nhuận nuôi tôm rơi hết vào túi mấy DN FDI sản xuất thức ăn. Ông Nguyễn Hữu Dũng nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói, người nuôi tôm hiện nay chỉ lấy công làm lãi.
Do phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, tức là chi phí đầu vào cao trong khi giá xuất khẩu, giá bán lại không cao nên nhiều người nông dân bị dồn đến chỗ phá sản.
Trước thực trạng này, TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) nhìn nhận, hiện nước ta thiếu các công cụ giám sát giá cả, thống kê sản lượng sản xuất của các DN trong ngành khiến giá thức ăn chăn nuôi thiếu minh bạch, khó kiểm soát. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang còn lúng túng trong việc kiểm soát đầu vào hay đầu ra trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cũng cho thấy, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI.
Các DN này đã tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước. Đây chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn 20% so với khu vực và khiến giá sản phẩm chăn nuôi Việt Nam khó cạnh tranh không chỉ ở khu vực, mà còn ngay ở thị trường trong nước. Hiếm hoi lắm, mới thấy giá thức ăn chăn nuôi giảm nhưng giảm cũng nhỏ giọt.
Phía Bộ Công thương cũng từng đưa ra cảnh báo, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước…