Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 21.400 doanh nghiệp FDI. Khối doanh nghiệp (DN) này luôn duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, có nhiều ngành DN FDI luôn luôn đóng vai trò chủ đạo tỷ lệ xuất khẩu cao. Kinh doanh tốt cho nên DN FDI liên tục mở rộng quy mô sản xuất.
Đánh giá cao hiệu quả của các nhà đầu tư ngoại trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên, một thực tế đáng buồn vẫn cứ tiếp diễn, đó là không ít DN FDI liên tục báo lỗ. Tỷ lệ DN báo lỗ lên đến 52% trên số lượng doanh nghiệp báo cáo. Trước đó, tỷ lệ DN báo lỗ hàng năm dao động từ 44 - 52%. Đáng chú ý, DN báo lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2017 có 2.673 DN lỗ mất vốn những có đến 1.590 DN vẫn phát triển quy mô sản xuất.
Tình trạng DN FDI lời thật, lỗ giả, chuyển giá, trốn thuế,… không phải vấn đề mới, xuất hiện sớm và tồn tại rất lâu. Vấn đề mà nhiều người thắc mắc hiện nay, tại sao các bộ ngành không có giải pháp gì để giám sát hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thiếu biện pháp xử lý mang tính răn đe cao để ngăn chặn. Để môi trường đầu tư trong nước không bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước không bị thất thoát cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và đồng bộ đối với hệ thống cơ sở dữ liệu.
Song song với hoạt động trên, cần có biện pháp xử phạt nặng đối với những DN báo lỗ khống, không chỉ dừng lại ở hình thức truy thu thuế là xong. Về phía ý kiến của các chuyên gia kinh tế, không ít người cho rằng, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào khu vực FDI bằng cách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh thông qua những chính sách hỗ trợ, trong đó, tập trung phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh tốt.