Trong số các thị trường tiềm năng của ngành tôm, có thể khẳng định, Nhật Bản là thị trường hứa hẹn lớn đối với con tôm Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 639,4 triệu USD.
Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Trong số các nước cung cấp tôm cho Nhật Bản, Việt Nam đứng ở ngôi đầu bảng, khi chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. Được biết, Nhật Bản hiện là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới. Trung bình, nước này nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD tôm mỗi năm.
Cùng với Nhật Bản và một số thị trường khác, Mỹ cũng là một đối tác giàu tiềm năng. Đối với các sản phẩm tôm chân trắng chế biến, Việt Nam là một trong số những nguồn cung lớn cho Mỹ.
Như vậy, có thể thấy rõ, dư địa để con tôm Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu rất lớn, nhất là khi hàng loạt các hiệp định thương mại từ do - FTA bắt đầu được thực thi ngay từ năm 2019 này.
Theo TS Hồ Quốc Lực- nguyên Chủ tịch VSEP, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu, với diện tích để nuôi tôm trên 700 ngàn ha. Một thuận lợi nữa là thời tiết Việt Nam có thể nuôi tôm quanh năm, đây là điều kiện thuận lợi để các DN chế biến tôm có thể hoạt động thường xuyên. Hiện, Việt Nam cũng đã có khoảng 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm và có thể tiếp tục mở rộng quy mô lớn thêm nữa…
Thuận lợi là vậy, nhưng theo giới chuyên gia vấn đề rất quan trọng là các DN phải tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm tăng sản lượng xuất khẩu. Đồng thời phải cải thiện toàn bộ quy trình nuôi từ chất lượng tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn... để đáp ứng được những quy chuẩn khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quyết định xem con tôm có thể chinh phục được các thị trường khó tính hay không.