Sáng làm công nhân, tối mở lớp học tình thương xóa mù chữ cho học trò có hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo Lâm Thắng (35 tuổi, quê ở TP Thủ Đức, TP HCM) đã mang sự tử tế làm đẹp cho đời.
Gần 13 năm qua, lớp học 0 đồng mỗi đêm vẫn sáng đèn dạy chữ cho học trò có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Trần Lâm Thắng khiến nhiều cư dân sinh sống tại khu vực TP Thủ Đức, TP HCM không khỏi ngưỡng mộ và xúc động nhờ sự tâm huyết cống hiến cho xã hội. Hiện, lớp đang có gần 100 em với nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng đều cùng một ước mơ được biết con chữ.
Thời gian hạn hẹp, ban ngày anh Lâm Thắng làm công nhân, bảo vệ dân phố, tối về lại đứng lớp dạy các em nhỏ. Ngày trước, sau khi anh đi nghĩa vụ đã làm dân phòng bảo vệ an ninh tổ dân phố nên khối lượng công việc không phải là quá sức với anh.
Khi đứng ra giải quyết mâu thuẫn cho các thanh niên, anh vô cùng bất ngờ và trăn trở khi phát hiện các em đa phần không biết chữ. Khu anh sống chủ yếu là dân lao động cho các lò gạch, các em từ nhỏ đã sớm theo gia đình bôn ba phụ lao động nên cơ hội đến trường gần như không có.
Thấu hiểu được sự thiệt thòi này, anh Lâm Thắng quyết tâm đứng ra thành lập lớp học 0 đồng với mong muốn “đi tìm con chữ” cho các em nhỏ. Giấc mơ con chữ tưởng chừng xa vời với các em ngụ cư xóm nhỏ nay đã hoá hiện thực nhờ lớp học tình thương của anh Lâm Thắng và các bạn đoàn viên.
Anh chia sẻ: “Vận động mãi mà không có được, người ta ngại lắc đầu không đi, một phần vì đi học đồng nghĩa với việc mất nguồn thu nhập cho gia đình, chưa kể đến việc tốn các chi phí, dịch vụ. Tôi nói thôi miễn phí luôn chỉ cần cho các bạn đi học từ 6 đến 7h tối thôi thì phụ huynh cũng xiêu lòng.
Tôi nghĩ ngày khai giảng sẽ chỉ có một vài em nhưng lại có tới 30 em, phòng học lúc đó chỉ có 24 m2 không đủ bàn ghế, không có chỗ ngồi. Tôi về vận động thêm bàn, ghế, mua bảng, mua phấn... Cũng khó khăn lắm, cái bảng nhỏ xíu dạy từ đứa nhỏ đến đứa lớn đúng một lớp một chương trình.
Dạy được một thời gian chị Bí thư đoàn trường mượn cho một phòng trong trường mầm non không còn học nữa. Một phòng chia ra 4 - 5 lớp theo trình độ để dạy, mấy bạn thanh niên đoàn viên đúng giờ là có mặt để kèm các em. Sau này có các mạnh thường quân, bạn bè, người thân ủng hộ thêm tập vở, bút, viết... cho các em. Tôi định chỉ dạy khi nào lò gạch giải thể thì lớp cũng giải tán mà ai ngờ duy trì đến mười mấy năm nay”.
Một công việc không giúp anh Lâm Thắng kiếm ra thu nhập nhưng lớp học là tất cả tâm huyết, sự yêu thương của anh. Bà Lâm Thị Ngọc Thiền - mẹ anh Lâm Thắng ngậm ngùi: “Nhiều lúc thương con lắm mà ý nguyện con vậy thì tôi không cảm được. Hồi dịch Covid-19, con cũng đi ngoài đường để chở mấy người đi bệnh viện, mua đồ, mua thuốc dùm...
Giờ dạy lớp học, lâu lâu con thiếu tiền mua dụng cụ cho học sinh cũng về xin nhờ mẹ hỗ trợ một ít. Có nhiều lúc thấy con tội quá, tôi nói con nghỉ bớt đi chứ vừa đi làm, đi dạy rồi tối đi gác phường nữa mà con bảo bổn phận con thì con phải làm thôi”.
Điều bà lo lắng, chạnh lòng hơn nữa là con mình nay đã 35 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình. Hiểu được nỗi lòng của bậc làm cha, làm mẹ, anh Lâm Thắng giãi bày: “Mẹ tôi có thể thông cảm cho tôi ra ngoài làm công việc xã hội, chứ cưới vợ về sao có thể được. Có gia đình thì tôi cũng phải chu toàn, 24 tiếng ít ra cũng ở nhà 18 - 20 tiếng chứ đâu có đi ngoài đường mãi được. Cũng nhiều người thông cảm cho lắm nhưng nói đến chuyện đi xa hơn thì… khó”.
Trong bữa cơm gia đình, anh Lâm Thắng khiến mẹ không kìm được nước mắt và người dân sinh sống quanh khu vực xúc động với tấm thư tay nói ra lời tâm tình cảm ơn sự ủng hộ của mẹ và gia đình. Câu chuyện về sự cống hiến cho đời, cho xã hội đến quên cả hạnh phúc riêng của anh Lâm Thắn đã truyền cảm hứng, niềm tin vào tình người cho rất nhiều người, trong đó có cả những người yếu thế trong xã hội.