Những ngày này, khi nhiều thế hệ học trò trên cả nước đang hướng về kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), chúng tôi đã có dịp đến với các điểm trường ở các huyện miền núi (thuộc nhiều tỉnh miền Trung) để được tận mắt chứng kiến và cảm nhận nỗi vất vả, gian khổ, cùng những câu chuyện cảm động về các thầy cô giáo “cắm bản” nơi miền sơn cước. Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng tấm lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, các thầy cô nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài đem những “con chữ” đến với học sinh dân tộc thiểu số nơi miền biên viễn.
Dọc theo dãy Trường Sơn ở nơi biên giới của tỉnh Quảng Bình là những bản làng của đồng bào Bru - Vân Kiều, Chứt sinh sống. Ở nơi xa xôi ấy, dù đường đi hiểm trở, đời sống còn bộn bề khó khăn nhưng luôn có những thầy cô giáo miệt mài cắm bản để “gieo” từng con chữ. Tình yêu nghề của các giáo viên ở nơi biên cương đã trở thành điểm tựa để con em đồng bào dân tộc ngày ngày cắp sách tới trường.
Gian nan “cõng chữ” lên non
Giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, sừng sững của núi, chúng tôi men theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để lên với Trường Sơn, xã biên giới còn lắm khó khăn. Nơi đây, đang có 52 giáo viên “cắm bản” ở 24 điểm trường mầm non và tiểu học.
Sau cái bắt tay thân tình, bà Văn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Sơn (xã Trường Sơn) cho biết, trường có 5 điểm trường lẻ ở những bản Đá Chát, Chân Trôộng, Dốc Mây, Liên Thượng, Trung Sơn nhưng ở Dốc Mây là điểm trường xa nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất. Bản nằm ở trên núi cao ở nơi biên giới Việt - Lào. Để vào dạy chữ cho các em học sinh ở bản Dốc Mây, từ trung tâm xã Trường Sơn, các thầy giáo của trường phải mất gần nửa ngày để vượt hơn 30km đường rừng, vượt suối, lội đá tai mèo mới đến được bản.
Thầy giáo Phạm Mạnh Tuấn là người nhiều năm gắn bó với điểm trường ở Dốc Mây chia sẻ, đường vào bản Dốc Mây rất hiểm trở, nhiều dốc cao, đá tai mèo lởm chởm. Nhiều đoạn phải bám vào vách núi cheo leo, có khi phải lội suối cả km. Mùa nắng đường vào bản đã vất vả, mùa mưa thì càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, trong ba lô các thầy khi nào lên bản cũng sẵn sàng áo mưa và tấm ni lông khổ rộng cùng với chiếc võng để phòng trường hợp mưa rừng, nước khe dâng cao không thể qua được suối. Những lúc đó, các thầy đành phải căng ni lông, mắc võng giữa rừng để chờ nước cạn rồi mới lên bản.
“Để đến được lớp học ở bản Dốc Mây, phải vượt một chặng đường dài gian nan. Nhiều khi chúng tôi động viên nhau “cõng con chữ” vào Dốc Mây như bộ đội vượt Trường Sơn thời đất nước chiến tranh. Mặc dù khó khăn là thế, nhưng thấy các em học sinh ngoan ngoãn, ham học, nhiều em vượt quãng đường xa đến lớp và những tình cảm chân thành với dân bản, xem các thầy như người nhà nên chúng tôi cảm thấy ấm lòng và tiếp tục cống hiến sức lực của mình” - thầy Tuấn giãi bày.
“Bốn cùng” với bà con dân bản
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi trở lại các bản vùng biên giới ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Bản Dộ - Tà Vờng ở nơi xa nhất, nằm dọc theo đường biên giới với nước bạn Lào. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, mấy chục nóc nhà sàn ở bản Dộ - Tà Vờng san sát bên nhau giữa màu xanh của núi rừng. Trước đây, bản Tà Vờng ở sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ, đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên chính quyền và bộ đội biên phòng đã vận động bà con dân bản Tà Vờng di chuyển về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi nhỏ nằm sát bên bản Dộ. Những ngôi nhà sàn mới vững chắc, khang trang được xây dựng từ chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xây dựng và bàn giao vào năm 2012.
Chúng tôi đến điểm trường Dộ, gặp lúc đang diễn ra cuộc họp phụ huynh để các thầy cô trao đổi, nhận xét về việc học tập của các em. Dộ là một trong 7 điểm trường của trường PTDT bán trú TH và THCS số 2 Trọng Hóa gồm có: Pa Choong, Ka Óoc, Ra Mai, Si Mới, Cha Cáp, Dộ, Lòm. Thầy giáo Cao Văn Bảo - Tổ trưởng chuyên môn bậc tiểu học tại điểm trường Dộ, người đã gắn bó 26 năm với các bản làng từ Thượng Hóa đến Trọng Hóa chia sẻ, để tổ chức được buổi họp phụ huynh ở nơi miền biên giới này là kết quả của một thời gian dài kiên trì vận động của thầy cô. Ngoài công việc chuyên môn, các giáo viên cắm bản phải “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số) với bà con và học sinh.
Thầy giáo Bảo cho biết, ngoài khó khăn bởi đi lại, ăn ở, đối với người giáo viên “cắm bản”, ngôn ngữ giao tiếp là rào cản lớn nhất. Vì vậy, để bám trụ và dạy chữ cho các em học sinh, trước hết mình phải học tiếng của họ, rồi làm quen với họ, gần gũi với họ để giao tiếp và vận động các em đến trường.
Nghĩa tình của Mặt trận
Chúng tôi trở lại bản Sắt, xã Trường Sơn khi trời se lạnh. Nơi thung lũng bằng phẳng, 34 ngôi nhà được xây dựng ngay ngắn trông thật ấm áp, điểm trường bản Sắt kết hợp nhà cộng đồng tránh lũ rộn ràng tiếng đọc bài của các em học sinh. Không giấu được niềm vui, thầy giáo Nguyễn Xuân Thành cho biết, kể từ khi chuyển đến ngôi trường mới khang trang, kiên cố này, thầy trò rất an tâm, không còn nơm nớp lo cảnh sạt lở núi.
Còn nhớ vào tháng 10 năm 2020, bản Sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ với gần 30 nhà dân và điểm trường đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, đe dọa tính mạng con người. Để giúp người dân bản Sắt sớm ổn định cuộc sống an cư lạc nghiệp trong những ngôi nhà kiên cố, con em dân bản có nơi học hành, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các địa phương để xây dựng toàn bộ nhà ở và nhà tránh lũ kết hợp trường học cho các hộ đồng bào dân tộc tại bản Sắt, bản thuộc diện di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở núi.
Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết, vào thời điểm cuối năm 2020, việc xây dựng nhà ở kiên cố cho 34 hộ dân của bản Sắt được tỉnh Quảng Bình ưu tiên hàng đầu. Với nghĩa tình của người làm công tác Mặt trận, chúng tôi đã kết nối với Mặt trận của các địa phương để được giúp đỡ. Khi biết được thông tin, Ban Cứu trợ của Mặt trận tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ với tổng số tiền 3,06 tỷ đồng để giúp người dân bản Sắt xây dựng 34 ngôi nhà sàn kiên cố. Cùng với đó, Ban Cứu trợ của Mặt trận TP Hà Nội đã tặng thêm công trình nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng.
Công trình này đã được Mặt trận tỉnh Quảng Bình bàn giao cho địa phương vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam năm 2021. Kể từ khi đưa vào sử dụng, bà con bản Sắt đã có cuộc sống ổn định lâu dài, thoát khỏi cảnh ngập lụt và nguy cơ sạt lở núi. Đặc biệt, các em học sinh và thầy cô đã có điểm trường khang trang để an tâm trong công tác dạy và học.
Bà Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Trường Sơn chia sẻ: Cô trò bản Sắt cảm ơn tấm lòng của MTTQ các địa phương đã chung tay giúp đỡ để xây dựng điểm trường khang trang, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học ở vùng biên giới. Thời gian qua với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, các điểm trường lẻ ở các bản của nhà trường đã dần đổi thay với cơ sở vật chất ngày càng kiên cố, chất lượng dạy học được nâng cao. Tuy nhiên, hiện tại ở một số điểm trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như ở bản Ploang, Zin Zin..
Mặc dù cuộc sống của giáo viên “cắm bản” ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn nhiều vất vả nhưng bằng tình yêu nghề, các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, động viên nhau mang con chữ lên những bản làng xa xôi nơi biên giới Việt Lào. Nghĩa cử và việc làm của những người giáo viên “cắm bản” thật đáng trân quý.
(Còn nữa)
Trưởng bản Dộ - Tà Vờng Hồ Khiên nói: “Dân bản mình quý thầy cô giáo lắm. Họ không chỉ dạy cái chữ cho con em trong bản mà còn “bốn cùng” giúp dân bản mình nhiều việc từ ăn uống vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, sống định canh định cư, xoá bỏ các thủ tục lạc hậu đến cầm tay chỉ việc trong cách trồng cây lúa nước, cách nuôi gia súc đạt hiệu quả. Những cô thầy đã gắn bó keo sơn với đồng bào để làm nhiệm vụ cao quý.