Đó là đánh giá của ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khi nói về vai trò của Mặt trận trong đợt lũ lụt vừa qua tại Hội nghị tổng kết thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Bắc Trung bộ năm 2020. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Mặt trận 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Sáng ngày 8/12, tại TP Vinh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động thi đua Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Bắc Trung bộ năm 2020.
Tại Hội nghị, ngoài nêu bật các kết quả đạt được trong công tác Mặt trận năm 2020 của cả 6 tỉnh, hội nghị cũng đã nhận được các ý kiến đa chiều, phản ánh sâu sắc, đánh giá sát tình hình trong công tác Mặt trận năm 2020.
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Dù các tỉnh trong cụm thi đua còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là đợt thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh vừa qua. Tuy nhiên, công tác Mặt trận của các tỉnh Bắc Trung bộ năm 2020 vẫn có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhiều kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu thẳng thắn nêu lên những yếu kém, tồn tại, hạn chế của công tác Mặt trận trong thời gian qua; đồng thời, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong thời gian tới.
Theo đó, dù còn nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc các tỉnh trong cụm không ngừng được củng cố và tăng cường, mọi khó khăn đã vượt qua.
Cụ thể, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành lời kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, các tỉnh trong cụm đã tổ chức phát động và ra lời kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Tổng số tiền các địa phương trong cụm đã vận động, tiếp nhận được 252,41 tỷ đồng; trong đó tiền mặt là 195,49 tỷ đồng, hiện vật 56,92 tỷ đồng.
Có nhiều đơn vị nổi bật trong cuộc phát động phòng chống dịch Covid-19 như Nghệ An đã tiếp nhận với tổng số tiền và nhu yếu phẩm quy đổi hơn 76,18 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ Nghệ An đã kêu gọi vận động ủng hộ 312,57 tấn gạo hỗ trợ cho 31.257 người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.
Tiếp đó là Thanh Hóa đã tiếp nhận tiền, hàng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá 77,6 tỷ đồng, Hà Tĩnh đã tiếp nhận được 63,97 tỷ, Quảng Bình đã tiếp nhận trên 15 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế tiếp nhận hơn 12 tỷ đồng, Quảng Trị đã huy động được 13,75 tỷ đồng,
Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tích cực. Nổi bật nhất trong phong trào này chính là tỉnh Hà Tĩnh, hiện địa phương này đã có có 496 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, 5.776 vườn mẫu đạt chuẩn; có 157/182 xã (sau sáp nhập) đạt chuẩn NTM, có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 2 xã và có 2 huyện đạt chuẩn (nâng tổng số huyện đạt chuẩn là 4 huyện), 3 huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM.
Còn tỉnh Nghệ An đã vận động Nhân dân hiến trên 1,8 triệu m2 đất, đóng góp hơn 3 triệu ngày công, ủng hộ 10,2 ngàn tỷ đồng để thực hiện Chương trình NTM, góp phần công nhận thêm 42 xã đạt chuẩn NTM, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện, 281 xã, 861 khu dân cư về đích NTM.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ các cấp trong cụm đã tích cực triển khai, thực hiện với nhiều hình thức vận động, như: ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo - Canh Tý 2020”, xây dựng nhà Đại đoàn kết... đã đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của các địa phương.
Tổng kinh phí các tỉnh trong cụm đã vận động được là 407,6 tỷ đồng. Trong đó, Nghệ An hơn 223 tỷ đồng, Thanh Hóa vận động được 33,9 tỷ đồng, Quảng Bình, vận động được 23 tỷ đồng; Quảng Trị vận động tổng số tiền 27,544 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế đã vận động được hơn 14,7 tỷ đồng...
Ngoài ra, các hoạt động như công tác cứu trợ, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đối ngoại nhân dân... được Mặt trận các địa phương quan tâm, triển khai và đạt được những kết quả quan trọng.
Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. Đồng thời, đưa ra nhiều phương pháp mới sáng tạo, chất lượng, hiệu quả để nâng cao vai trò của Mặt trận.
Theo bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An (cụm trưởng) đã chia sẻ những khó khăn mà 6 tỉnh Bắc Trung bộ vừa trải qua, ngoài đại dịch Covid-19, đó còn là đợt lũ lụt đã làm cho chính quyền và người dân khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng đối với người làm công tác Mặt trận tại Nghệ An, theo bà Sinh “Người mặt trận Nghệ An đã chuyển từ tự ti sang tự tin. Đổi mới nội dung phương pháp hoạt động Mặt trận như công tác phong trào, an sinh xã hội, phân tích xã hội, phân loại hộ nghèo sau đó hỗ trợ mô hình sinh kế như cây giống, con giống”.
Đặc biệt, qua 2 đợt thiên tai, dịch bệnh Mặt trận đã “nhanh tay” phát động, kêu gọi nhân dân. Với sự hưởng ứng của các đơn vị, DN, nhân dân toàn tỉnh cả hai đợt số tiền ủng hộ luôn đứng đầu cả nước. Nhờ vậy, “đội quân áo vàng” Nghệ An luôn in đậm trong lòng nhân dân.
Đó cũng là đánh giá của ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An khi nói về Mặt trận. Theo ông Thông, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có nhiều đóng góp hết sức tích cực vào các kết quả của kinh tế xã hội tỉnh nhà. Trong thời gian qua, Mặt trận đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động hướng mạnh về cơ sở, đã huy động và phát huy sức mạnh được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều mô hình mới, các làm hay, sáng tạo, có hiệu quả, mang tính tích cực đã được nhân rộng và lan tỏa.
“Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức hội nghị MTTQ các tỉnh Bắc Trung bộ lần này của Ủy ban Trung ương MTTQ tại Nghệ An. Chắc chắn, MTTQ các địa phương sẽ thu nhận được nhiều giá trị bổ ích, thực tế để bổ sung thêm vào kế hoạch và các giải pháp thực hiện những nhiệm vụ sau khi các đại biểu đã thảo luận, cung cấp thông tin tại hội nghị”, ông Thông nhấn mạnh.
Kết luận tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao kết quả mà Mặt trận 6 tỉnh Bắc Trung bộ đạt được dù bối cảnh khó khăn, thách thức nhưng Mặt trận vẫn một lòng vượt qua và đạt được những kết quả quan trọng như ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác Mặt trận. Đơn cử là các nhiệm vụ phòng chống dịch được thực hiện tốt, rõ nét. Các cuộc vận động phong trào thi đua, trong đó xây dựng NTM vượt mục tiêu, phát huy dân chủ cơ sở, lấy được sức dân, xây dựng được tiêu chí kiểu mẫu, Mặt trận đánh giá được sự hài lòng của người dân.
Bên cạnh đó, đã xây dựng tốt mô hình tự quản, được mặt trận chú trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chăm lo cho người nghèo và ứng phó bão lũ, giúp đỡ người dân trong việc ứng phó bão lũ điển hình như như xây dựng hàng ngàn căn nhà Đại Đoàn kết. Đổi mới cách làm, có sự chung tay của toàn xã hội. Tập trung nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho người dân, MTTQ là địa chỉ cho tấm lòng từ thiện, nhân lên tấm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Qua đây tiếp tục khẳng định công tác chính sách và là phương pháp, cách làm của người Mặt trận.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị, Mặt trận 6 tỉnh tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ nhằm phát huy được vị trí, vai trò của Mặt trận. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Quản lý quỹ người nghèo, quỹ cứu trợ thật tốt, không để xảy ra vi phạm, không để số dư lớn.