Với đề xuất đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ GDĐT, giới chuyên gia bày tỏ sự đồng tình khi mục đích của đề xuất này nhằm minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm. Song ngay cả khi chế tài xử lý “mạnh tay”, có làm giảm được vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan?
Bài 2: Cần sự thay đổi nhận thức từ nhiều phía
Siết quản lý dạy thêm học thêm cần sự thay đổi nhận thức từ nhiều phía. (Ảnh minh họa).
Cân nhắc thận trọng
Việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết và phù hợp vì hiện tại các hoạt động dạy thêm ngoài trường đều mang tính tự phát và khó quản lý. Đó là quan điểm của thầy Trần Mạnh Tùng- giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Lý giải điều này, thầy Tùng cho rằng do không có các quy định chung cho loại hình hoạt động này nên mỗi địa phương lại đưa ra một quy định riêng để quản lý, thậm chí có nơi còn xem giáo viên dạy thêm như “tội phạm”.
Còn TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay vẫn có tình trạng giáo viên “chèn ép, gây áp lực” với những HS không tham gia lớp học thêm của mình. Khi dịch vụ này trở thành hình thức kinh doanh hợp pháp, việc cắt xén nội dung bài giảng trên lớp, có ưu ái với những HS học thêm hơn HS không đi học thêm… là thực tế đáng lo ngại.
Hiện nay, việc dạy thêm chỉ cấm ở cấp tiểu học nhưng không phải trường nào, địa phương nào cũng cấm. Do không có sự đồng nhất, nghiêm minh nên việc dạy thêm ở tiểu học thuộc các trường ở khu vực TP diễn ra khá phổ biến. Đối với các cấp học khác thì việc dạy thêm, học thêm chỉ cần đảm bảo một số điều kiện là có thể mở lớp, không bị cấm như khối tiểu học. Vì vậy, nếu đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rõ ràng cần có cơ chế quản lý và giám sát xử phạt rõ ràng, minh bạch và có thể kiểm chứng được.
Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, việc đưa ra các hình thức phạt nghiêm để hạn chế tiêu cực trong nhà trường là điều rất nên làm. Giáo viên phải tự chịu trách nhiệm về việc làm sai trước pháp luật. Còn nếu để nhà trường xử lý giáo viên vi phạm sẽ trở thành đôi co giữa hai bên, làm mất đi tính giáo dục. HS có nhu cầu học thêm, giáo viên có nhu cầu dạy thêm thì đến trung tâm. Nhà trường chỉ nên phụ đạo HS yếu kém hay bồi dưỡng các em giỏi nhưng không được phép thu tiền.
Ở một góc nhìn khác, Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Khắc Thành cho rằng với những HS có nhu cầu được học thêm, nếu các em ra trung tâm học thêm thì phụ huynh phải ngừng mọi hoạt động để đưa, đón con. Vì vậy, phương án cho tất cả HS ra trung tâm học rất khó khả thi. Nếu triển khai dạy thêm theo các lớp chính khóa, câu chuyện giáo viên dạy lớp chính khóa dạy luôn lớp học thêm hay thay cô giáo khác cũng là một băn khoăn bởi mỗi giáo viên có phương pháp khác nhau, HS có thể cảm thấy mệt mỏi, thậm chí bối rối nếu phải cùng lúc theo học nhiều thầy cô…
Giải pháp phải đồng bộ
Trên thực tế, lâu nay Bộ GDĐT đã có quy định cụ thể về việc cấm dạy thêm, học thêm không phép. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GDĐT xây dựng lấy ý kiến góp ý năm 2018 từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về mức xử phạt hành chính cao hay thấp, thỏa đáng hay chưa trong trường hợp xử phạt giáo viên ép HS học thêm ở mức 10 triệu đồng… Tuy nhiên, như chia sẻ của cô Bùi Kim Ngân – giáo viên Hệ thống Giáo dục Hòa Bình – La Trobe Hà Nội, rất khó để phân biệt được người học tự nguyện hay ép buộc phải đi học thêm. Như vậy, mạnh tay về xử phạt hành chính liệu có chặn được nạn dạy thêm, học thêm trái quy định?
Đơn cử như ngay trong thời gian HS cả nước nghỉ chống dịch Covid-19, vẫn có một số lớp học thêm hoạt động. Khi được hỏi, phụ huynh của một HS tham gia lớp học Toán này ở một quận nội thành Hà Nội cho biết: Chính các phụ huynh đề nghị cô giáo dạy thêm vì lo con sắp thi chuyển cấp, nghỉ dài ngày không ai kèm cặp sát sao sẽ rơi rụng hết kiến thức, thi không đậu.
Mặc dù nhiều địa phương ban hành văn bản nghiêm cấm dạy thêm học thêm trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất về việc này. Thậm chí, “mạnh tay” như Thanh Hóa còn nhấn mạnh tập thể, cá nhân nào tổ chức dạy thêm học thêm trong thời gian này phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, cụ thể là từ đình chỉ công tác đến buộc thôi việc. Tuy nhiên, hầu như không có trường hợp nào bị phát hiện và bị xử lý dù trên thực tế, vẫn tồn tại những nhóm lớp học thêm này.
Vì vậy, để chấm dứt được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan không thể chỉ trông chờ ở một quy định, quy chế mà cần sự thay đổi từ nhiều phía. Gia đình phải thay đổi quan niệm, nhận thức về việc học. Cơ chế tuyển dụng nói chung của các công ty phải dựa vào năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề, hoạt động nhóm, làm việc nhóm… đừng dựa vào hoàn toàn bằng cấp. Nội dung và phương pháp giáo dục, cụ thể là cách đánh giá học sinh (gồm cả đánh giá thường xuyên và đánh giá qua các cuộc thi, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục) được đổi mới thì khi đó mới có thể giảm được dạy thêm, học thêm.