Những thành công về doanh thu và chất lượng được đánh giá cao đang mở ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều hướng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những gian nan.
Tín hiệu khởi sắc
Điện ảnh Việt Nam trong những ngày đầu năm liên tiếp nhận được tín hiệu vui từ các phòng vé. Điện ảnh tư nhân mở đầu bằng thành công của 2 bộ phim, “Mai” với doanh thu hơn 500 tỷ đồng và “Gặp lại chị bầu” sắp đạt ngưỡng 100 tỷ đồng. Thông tin từ đoàn làm phim trong thời gian tới còn cho biết, “Mai” sẽ được công chiếu tại tại Mỹ, Canada và châu Âu như Anh, Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia…
Cùng với đó, 2 bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước là “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” cũng đã chính thức ra rạp. Trong đó, “Đào, phở và piano” đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam. Đây cũng là bộ phim nhà nước hiếm hoi lọt vào top thống kê doanh thu cao của Box Office Việt Nam.
Trước đó, nhu cầu mua vé xem bộ phim này lớn đến mức một số đơn vị phát hành phim tư nhân chủ động đề nghị chiếu phim phi lợi nhuận, toàn bộ doanh thu nộp về ngân sách nhà nước. Trang web của Trung tâm chiếu phim Quốc gia bị quá tải, không thể hoạt động trong nhiều ngày do số lượng người truy cập tăng đột biến. Sau khi khắc phục được sự cố kỹ thuật, trang web này đã hoạt động trở lại nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ bán vé xem “Đào, phở và piano” trực tiếp tại quầy, không bán vé trực tuyến.
Đồng hành với bộ phim ngay từ những ngày đầu “bấm máy”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ, “Đào, phở và piano” thu hút được đông đảo người xem đã khẳng định năng lực của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với kịch bản hay, diễn xuất của diễn viên tương đối ấn tượng. Ông Thành cũng cho biết, đưa 2 bộ phim nhà nước ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán là một phép thử. Ban đầu chính bản thân ông và Cục Điện ảnh cũng không tránh khỏi lo lắng. Nhưng đến nay, những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm phim nhà nước đến với công chúng là hoàn toàn đúng đắn.
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhận định, “Đào, phở và piano” trở thành hiện tượng gây chú ý trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, song sẽ tốt hơn nếu có thể tận dụng được điểm nhấn này để tạo được sự thay đổi trong xu hướng làm phim của nhà sản xuất, như trước đây bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được.
Trải thảm đỏ cho phim Việt
Thực thế cho thấy, những năm gần đây, điện ảnh Việt có sự phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Bên cạnh các phim truyền thống, dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, đặc biệt là phim của các đạo diễn Việt ngày càng phát triển và đã thực sự kéo một lượng không nhỏ khán giả quay trở lại rạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, giới chuyên môn cho rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Như phim tư nhân trong bối cảnh kinh tế hiện nay, rất khó thu hút nhà đầu tư rót tiền cho các dự án điện ảnh. Bởi những “mạnh thường quân” trước đây từng hứng thú đầu tư vào phim ảnh, hiện đều khá rụt rè. Còn các nhà đầu tư lâu năm trong ngành cũng có những tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Chính vì khó khăn, bài toán làm thế nào để “liệu cơm gắp mắm” đặt ra không ít thách thức cho các đoàn phim. Hay với các bộ phim nhà nước, dù mỗi năm vẫn có 2 - 3 phim được đặt hàng sản xuất. Tuy nhiên, ngoài một vài điểm sáng thì hầu hết các những tác phẩm này chưa tạo được chú ý về mặt thương mại, song được cho là vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Về vấn đề này, bà Lan bày tỏ, khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh.
Cũng theo bà Lan, điện ảnh Việt Nam đang rất cần có những tác phẩm lớn để lại cho thế hệ sau. Đến bây giờ mọi người vẫn nhắc tới những tác phẩm như “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Phải có những tác phẩm khắc tên điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ngay cả với những phim vốn 100% của Nhà nước thì cũng cần có phương án phát hành, quảng bá hiệu quả. Thực tế, có nhiều hãng phim tư nhân chỉ chuyên sản xuất phim, và họ phải hợp tác với các đơn vị phát hành chuyên nghiệp khác. Nghề quảng bá, tiếp thị, phát hành rất khác với sản xuất phim, bởi vậy, với những phim do Nhà nước đặt hàng cũng cần dành một phần kinh phí cho việc hợp tác này.
Thực tế cho thấy, với điện ảnh Việt Nam, nguồn thu chính hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu trong nước. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 số phim ra rạp hàng năm có khả năng từ hòa vốn cho đến thắng. Để giải được bài toán này, điện ảnh Việt Nam đang cần nhiều hơn nữa những người “mở đường”, cho dù khó tránh khỏi những “hạt sạn” hay cú vấp. Bởi chính người làm phim mới là những nhân tố dám chọn con đường không dễ đi này. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chịu vấp ngã để góp phần tạo nên một bức tranh phong phú cho điện ảnh Việt Nam.