Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo.
Ngày 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết trung ương 6 khoá XIII. Hội nghị được kết nối với 11.632 điểm cầu trên toàn quốc, với hơn 1 triệu đảng viên là lãnh đạo các cấp.
Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương trình bày báo cáo nghị quyết về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ông Phan Đình Trạc cho biết, tại phiên thảo luận đề án, Trung ương đã dành 1 ngày để thảo luận với 151 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường. Trung ương khẳng định, đề án được chuẩn bị nghiêm túc bài bản công phu dân chủ khoa học, bám sát thực tiễn và thực hiện đúng cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ theo CNXH, Hiến pháp 2013, văn kiện đại hội XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; bám sát tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, và kết quả xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Từ đó có chọn lọc đúng trọng tâm và đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp với thực tiễn có đổi mới và định hướng trong thời gian dài nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Sau khi Trung ương ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đề án và Nghị quyết về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là sản phẩm của trí tuệ và được kết hợp nhuần nhuyễn của tập thể các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động thực tiễn và các nhà khoa học.
Một điểm được ông Trạc nhấn mạnh tại Nghị quyết này là việc yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề cập đến cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, ông Trạc cho hay, đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đáng chú ý, quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm. “Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”, ông Trạc nêu.
Bên cạnh đó, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đảm bảo sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan cùng cấp chính quyền địa phương.
Cùng với đó, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ phối hợp và tự kiểm soát bên trong từng cơ quan cũng như giữa các cơ quan với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới, cấp dưới và cấp trên. Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp.
Cũng theo ông Trạc, thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trong từng cơ quan Nhà nước. Luật phòng, chống tham nhũng cũng như Luật thực hành tiết kiệm đã quy định rất rõ công khai, minh bạch, hình thức, nội dung công khai minh bạch, thời điểm công khai, minh bạch là nhiệm vụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực. Khi thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ cũng như trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Tất cả những điều này nhằm mục đích kiểm soát quyền lực.
Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, các quyền khác của công dân theo quy định của hiến pháp, pháp luật. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Của Đảng là cơ quan kiểm tra, Nhà nước là cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ chế kiểm soát khác của các cơ quan tố tụng cũng như của nhân dân.
Theo ông Trạc, tiếp tục nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thiết chế mới là như nào thì vẫn nghiên cứu chưa ra.
“Khó lắm, bởi vì nếu chúng ta làm được như Trung Quốc phải thay đổi lại thể chế, thiết chế bộ máy. Trung Quốc họ có cơ quan Ủy ban Giám sát Nhà nước, họ thiết chế một nhiệm kỳ, sau đó ban hành Luật. Họ có cả chức năng giám sát, chức năng điều tra. Nghị quyết đặt ra nhưng nghiên cứu rất công phu, phù hợp với thể chế chính trị chúng ta, thực tiễn nước ta”, ông Trạc nêu rõ.
Đặc biệt, ông Trạc cho biết, ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công. Thực hiện 4 không trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức. Xây dựng văn hoá liêm chính tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.