Để giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần giải pháp toàn diện, đủ mạnh

T.H. 14/01/2020 23:00

Để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần giải pháp toàn diện, đủ mạnh

Chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều ngày ở mức báo động. Ảnh: Quang Vinh.

Thông tin này được đưa ra tại buổi tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, diễn ra ngày 14/1, tại Hà Nội.

Thời gian gần đầy, chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo, nguy hại đến sức khỏe của người dân. Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như tim, phổi, đột quỵ…

Hiện tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp, nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng, các dạng vật liệu.

Tỉ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ. Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỉ USD (tương đương từ 240.000 tỉ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, để việc chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm hoạt động gây ô nhiễm không khí, hướng tới một môi trường trong lành, an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị.

PGS. TS Phạm Hồng Chương chia sẻ: Công tác quản lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, hệ thống thể chế về môi trường không khí chưa đáp ứng yêu cầu; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường còn hạn chế… Do vậy, để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng các giải pháp, lựa chọn các ưu tiên và thực hiện có lộ trình chặt chẽ.

Còn theo TS Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế cần đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải; tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn thải; công khai, minh bạch thông tin về quan trắc, thanh tra, ô nhiễm môi trường; đồng thời cần đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải cacbon thấp…

Sáng 14/1, chất lượng không khí đo được trên địa bàn Hà Nội đa phần ở mức rất xấu. Tại các điểm đo chất lượng không khí, dao động từ 174 đến 212 (từ xấu đến rất xấu). Cụ thể, lúc 7 giờ ngày 14/1, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI ở mức 179, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn. Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội ghi nhận 5/11 điểm quan trắc chỉ số AQI ở mức 174-195, nhóm nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn; 6/11 điểm quan trắc có chỉ số AQI ở mức từ 203-217, mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe. Theo AirVisual, có tới 12 điểm quan trắc ở Hà Nội có chỉ số AQI màu tím, còn lại đều ở màu đỏ. Đức Trân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để giảm thiểu ô nhiễm không khí: Cần giải pháp toàn diện, đủ mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO