Các thúng na đầy đặn, tươi ngon từ đỉnh những ngọn núi đá dựng đứng, cao chót vót ở Chi Lăng (Lạng Sơn) được người dân vận chuyển bằng ròng rọc xuống nơi tập kết. Tháng 8, những quả na căng mọng phủ màu xanh thẫm khắp Chi Lăng.
Từ tờ mờ sáng, từ các ngọn núi, khu vườn đến chợ Lân Giao (chợ na lớn nhất huyện Chi Lăng) đã đông nghẹt người. Những thúng na cỡ nửa tạ nặng trĩu lần lượt được chuyển xuống. Phía dưới, người dân nhanh chóng buộc những thúng na lên xe máy hoặc chất lên xe kéo đến nơi tiêu thụ.
Vùng đất Chi Lăng được ưu ái bởi có cánh cung Bắc Sơn, dãy núi Cai Kinh với đất trên đá vôi, khí hậu rất phù hợp, giúp cây na phát triển tốt. Quả na nơi đây vì thế rất khác so với các vùng khác, khác ngay cả na trên núi đá và na trồng ở chân núi khu vực đất phù sa. Na trên núi bao giờ cũng có vị ngọt sắc hơn.
Ngoài ra, thiên nhiên cũng ưu đãi cho Chi Lăng hướng địa hình là hướng Bắc - Nam nên cây quang hợp rất tốt. Nhờ vậy quả na Chi Lăng có hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, được người tiêu dùng ưa thích.
Những năm qua, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã dành nhiều nguồn lực cho công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng - cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, đến nay tổng diện tích trồng na trên địa bàn là hơn 2.500 ha. Trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt khoảng 740 ha, tập trung hầu hết ở 8 xã, thị trấn núi đá của huyện là Mai Sao, Chi Lăng, Vạn Linh, Thượng Cường, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng. Vụ na năm 2024, huyện Chi Lăng ước tính sẽ đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ).
Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đổi đời, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng.