Giáo dục

Mua sách giáo khoa: Cách nào tránh mua phải hàng giả?

HẢI PHƯƠNG 28/07/2024 07:00

Chuẩn bị cho năm học mới, các phụ huynh bắt đầu tìm mua sách giáo khoa cho con. Việc mua sách giáo khoa, có phụ huynh mua theo nhà trường, có phụ huynh tự mua ở các nhà sách... Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều vụ tiêu thụ sách giả bị bắt giữ thời gian gần đây đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh.

1000555428.jpg
Chuẩn bị vào năm học mới, phụ huynh lại phải "đau đầu" khi mua sách cho con.

Rục rịch mua sách giáo khoa

Tuần vừa qua, tranh thủ thời gian rảnh, chị Nguyễn Thị Hạnh (Ba Vì, Hà Nội) đưa con đến nhà sách để mua sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. Chị Hạnh cho biết, năm học 2024 - 2025 nhà chị có 2 cháu học lớp 1 và lớp 3. Việc tìm mua sách cho con cũng khá vất vả vì phải mua đúng các đầu sách theo yêu cầu của nhà trường, mua ở nhiều nơi.

Theo chị Hạnh, do gia đình đều làm công nhân nên nguồn thu nhập không cao, để chuẩn bị chu đáo cho các cháu bước vào năm học mới, chị phải lên kế hoạch mua từng thứ để không phải chi số tiền lớn cùng lúc. Năm nay, sách giáo khoa giảm giá, ít nhiều cũng giúp chị tiết kiệm được một phần chi phí cho gia đình.

Một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Cuối năm học vừa qua, cô giáo đã gửi cho các phụ huynh trong nhóm lớp danh sách sách giáo khoa cần đăng ký mua. Năm ngoái lớp 1, các con học hầu hết theo bộ sách “Cánh diều”. Nhưng năm nay lớp 2, sách các con học lại là bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

“Nhà trường có mua sách giúp cho học sinh nên tôi đăng ký mua luôn cho con. Vì sách từ phía nhà trường đặt từ các nhà xuất bản nên phụ huynh rất yên tâm và tin tưởng. Đặc biệt, mua sách ở trường thì nhận sách sẽ đủ bộ hơn. Nhiều khi ra hiệu sách cũng khó mua đủ bộ, chưa nói đến thật giả”, vị phụ huynh này chia sẻ.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, ngày 18/7 vừa qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đây là vụ việc kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa này không số nhà, không treo gắn bảng hiệu, nằm ẩn sâu trong khu dân cư hoang vắng, ít người qua lại tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô Ecopark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tổng số lượng sách giáo khoa phát hiện là 1.210 thùng. Qua 2 ngày kiểm đếm, phân loại số lượng, chủng loại, đoàn kiểm tra ghi nhận 79.103 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Tổng trị giá được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng.

Trước đó, trong tháng 6, Công an TP Đà Nẵng cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán 4 triệu sách giáo khoa giả, bắt giữ 10 đối tượng, tạm giữ nhiều tang vật, máy móc liên quan.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, các cơ quan chức năng khuyến cáo phụ huynh và học sinh khi lựa chọn mua sách giáo khoa để học nên lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín, chú ý tem chống giả…

Cách nào phân biệt thật - giả?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị có các loại sách bị làm giả rất nhiều trong các đường dây buôn bán sách giả được công an triệt phá. Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết không chỉ kích cỡ, mẫu mã, nội dung, màu sắc của cuốn sách, mà ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả.

Một bộ phận người tiêu dùng có ý thức chưa cao, muốn mua những cuốn sách giá rẻ, được chiết khấu cao, vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Chế tài đến các hành vi này cũng chưa thật sự mạnh nên thường xuyên xảy ra vi phạm. Sách giáo khoa là sản phẩm đặc thù, cần có chế tài đủ mạnh.

Để nhận biết sách thật - giả, bà Phạm Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho hay, dưới lớp cào ở mỗi cuốn sách sẽ có mã để học sinh truy cập vào dữ liệu điện tử, sử dụng sách điện tử. Nếu như là sách giả thì sẽ không cào ra được dãy mã số.

Nhiều cuốn sách in lậu sẽ không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật. Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang.

Để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/phô tô, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến phần chữ bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khi mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân. Một số nội dung trong sách in lậu có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của học sinh.

Để tránh mua phải sách in lậu, thầy cô, phụ huynh và học sinh nên lựa chọn các đơn vị phát hành sách giáo dục thuộc hệ thống nhà xuất bản (các Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục, các Công ty Sách - Thiết bị giáo dục miền, Công ty Sách - Thiết bị trường học tại địa phương)...

Trước đó, sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thông báo điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và các nhà trường. Cụ thể, giá bìa mới của bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%...

Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng công bố giảm 20% giá bìa bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” đối với các Sở GDĐT khi mua sách để trang bị cho thư viện trường học. Mức giá trên còn được áp dụng đối với những cá nhân, đơn vị mua sách tặng cho thư viện để học sinh dùng chung. Công ty cũng có chính sách giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh khi mua thông qua nhà trường và chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua sách giáo khoa: Cách nào tránh mua phải hàng giả?