Nam Trung bộ thiệt hại ngày một tăng do mưa lũ và áp thấp

Văn Nhất 06/11/2016 17:50

Hiện nay, tuy lượng mưa tại các tỉnh Nam Trung bộ cơ bản đã giảm, tuy nhiên mực nước các sông rút vẫn đang chậm, nhiều khu vực vẫn còn ngập úng, nhiều tuyến đường vẫn bị ách tắt đang dần đường khơi thông, các tỉnh vẫn đang tiến hành công tác khắc phục và thống kê thiệt hại, đồng thời nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân.

Các sông tại Ninh Thuận và Khánh Hòa đang xuống nhưng vẫn ở mức cao.

Sáng ngày 06/11, theo báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Tình hình thiệt hại do mưa lũ tính đến sáng ngày 06/11/2016 đã có 15 người chết, trong đó (Quảng Bình: 03 người, Quảng Trị: 02 người, Bình Định: 02 người (tăng 01 người), Phú Yên: 07 người (tăng 04 người), Đắk Lắk: 01 người); 07 người mất tích, (Quảng Bình: 01 người, Quảng Ngãi: 03 người, Phú Yên: 01 người, Kon Tum: 01 người, Khánh Hòa: 1 người).

Về nhà ở: Nhà sập đổ, cuốn trôi: 227 nhà (tăng 182 nhà); hư hỏng: 226 nhà (tăng 166 nhà). Nhà bị ngập nước: tổng số nhà bị ngập nước là 41.041 nhà, hiện tại nước đã rút chỉ còn 848 nhà bị ngập nước ( Đắk Lắk: 841 nhà, Đắk Nông: 07 nhà).

Người dân Khánh Hòa đang chờ nước rút hết để dọn dẹp nhà.

Về nông nghiệp: 7.102 ha lúa (tăng 1.535 ha) và 4.918 ha hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập (tăng 939 ha).

Hiện nay các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nước đã rút hết, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông còn bị ngập cục bộ ở một số vùng trũng, thấp. Riêng tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk nước đang rút chậm nên vẫn còn bị ngập.

Về chăn nuôi: 440 con gia súc (tăng 188 con), 42.724 con gia cầm (tăng 11.934 con) bị chết, cuốn trôi. Về thủy lợi: 3.910m đê dưới cấp IV, 942m kè, 23 đập, cống và một số đoạn đê bao ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xói lở, hư hỏng.

Cây táo của người dân Ninh Thuận bị ngập úng do mưa lũ.

Về giao thông: Tại Bình Định, ngập lụt gây sạt lở và chia cắt giao thông cục bộ trên các tuyến liên huyện, liên xã thuộc các huyện Tuy Phước, Thị xã An Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, hiện tại nước đã rút; ở Phú Yên: Tại Km1199+050 đường sắt phía trái tuyến (đoạn giữa cầu Đà Rằng với cầu Sông Chùa) đang bị sạt lở mái taluy âm, khối lượng sạt lở khoảng 200 m3.

Ngành đường sắt đã khắc phục xong và thông tuyến vào lúc 11h30’ ngày 05/11. Khánh Hòa: Hiện nay nước đã rút, riêng một số xã vẫn còn một số vị trí ngập cục bộ như: Vĩnh Phương, Diên An, Diên Phú, Diên Toàn, Diên Bình, Diên Lạc, Diên Điền, Suối Hiệp; các ngầm tràn xã Cam Phước Đông hiện vẫn còn ngập từ 0,6 đến 1m. Ninh Thuận: Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Công ty Cổ phần quản lý đường bộ tỉnh khắc phục tạm thời dọn dẹp đất, đá trên mặt đường các tuyến đường 701, 706, 707.

Riêng tuyến đường 701 (đoạn Mũi Dinh đi Cà Ná) vẫn đang khắc phục tình trạng sạt lở đất, đá, dự kiến đến ngày 6/11/2016 sẽ thông xe.

Trâu bò của người dân Phú Yên bị chết do mưa lũ.

Cũng theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ chiều ngày 05/11, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và sông Srêpốk (Đắk Lắk) đã đạt đỉnh, đỉnh lũ trên sông Dinh tại Ninh Hòa 5,67m, trên BĐ3 0,17m; trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 8,7m, trên BĐ1 0,7m; trên sông Cái Phan Rang tại Phan Rang 2,73m, trên BĐ1 0,23m; sông Srêpốk tại Bản Đôn 171,79m, trên BĐ1 0,79m. Sông Krông Ana tại Giang Sơn đang dao động ở mức đỉnh.

Dự báo: trong 12 giờ tới lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận, sông Srêpốk và sông Krông Ana tiếp tục xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Trung bộ thiệt hại ngày một tăng do mưa lũ và áp thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO