Nhu cầu và giá cả tăng cao cộng thêm địa bàn rộng khiến tình trạng khai thác cát trái phép tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ trở nên phức tạp, khó kiểm soát.
Là địa phương có nguồn tài nguyên cát sông dồi dào, tỉnh Tiền Giang có nhiều mỏ cát được cấp phép nằm ở khu vực sông Tiền. Tuy nhiên, nhiều nơi dù không được phép khai thác nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Chỉ với một chiếc ghe neo đậu trên sông cùng máy bơm công suất lớn là các đối tượng đã có thể khai thác hàng trăm triệu đồng tiền cát mỗi đêm.
Do có nhiều con sông rộng, lợi dụng trời tối và nhiều lúc mưa gió, việc tuần tra của lực lượng chức năng gặp khó khăn khiến cho tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng ở địa phương này. Ngoài ra, sông Tiền là địa giới giữa các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nên việc kiểm tra, xử lý cũng khó khăn hơn bởi các đối tượng khai thác trộm có thể di chuyển liên tục từ địa bàn tỉnh này sang tỉnh khác, khiến cho lực lượng chức năng phải tổ chức tuần tra, kiểm tra chung để xử lý kịp thời.
Thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang cho thấy, khoảng hơn nửa đầu năm 2023, tỉnh này đã tổ chức 612 cuộc kiểm tra và phát hiện, xử lý 208 vụ, 369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ theo quy định, với số tiền phạt là 18 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã khởi tố 3 vụ án, 3 đối tượng liên quan tới việc khai thác cát trái phép và đang củng cố hồ sơ để xử lý 3 vụ khác.
Theo ông Lộc, hiện nay nhu cầu cát xây dựng công trình, cát san lấp mặt bằng ở Tiền Giang cũng như khu vực lân cận là rất cao nên việc khai thác cát trái phép có nhiều lợi nhuận khiến các đối tượng thêm liều lĩnh, manh động và có nhiều thủ đoạn tinh vi khó lường hơn. “Hiện nay quy định về vật chứng liên quan tới cát còn chưa phù hợp gây khó khăn cho lực lượng công an khi kiểm tra, xử lý” - ông Lộc cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi hút cát dưới lòng sông, các đối tượng khai thác trái phép thường hút cả nước và bùn, tạo thành các hỗn hợp rất khó xác định. Những hỗn hợp lỏng này được tập kết vào ven bờ sông, đợi một thời gian cho nước rút hết các đối tượng mới chia thành cát san lấp, cát xây dựng để đưa đi tiêu thụ.
Tương tự, tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra ở địa bàn tỉnh Bến Tre với quy mô và hình thức tương tự. Các đối tượng thường sử dụng các ghe tàu nhỏ để hút cát, đất bùn (cát san lấp) thời điểm ban đêm, lúc mưa gió rồi lén tập kết tại các vườn, nhà ven sông. Sau đó các loại cát này được vận chuyển bằng phương tiện đường bộ để đi tiêu thụ. Những ghe tàu khai thác cát trái phép thường hoạt động ở nhiều địa điểm. Những vụ việc được phát hiện, xử lý chỉ là một phần nhỏ so với thực tế của tình trạng này.
Theo người dân ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Hàm Luông và sông Tiền diễn biến phức tạp trong thời gian dài. Trong đó khu vực sông Tiền là nhiều nhất vì có nhiều cù lao, cồn nằm giữa sông, trữ lượng cát nhiều “cứ cắm vòi bơm là có tiền” khiến nhiều ghe tìm cách khai thác trộm. Người dân sinh sống ven sông cũng có thể bắt gặp các ghe khai thác cát lúc đêm tối nhưng khi báo với chính quyền địa phương, tổ chức lực lượng xuống kiểm tra thì có thể ghe cát đó đã di chuyển sang địa bàn tỉnh khác hoặc cát đã được chuyển sang sà lan, ghe khác nên rất khó ngăn chặn.
Tình trạng này rất đáng báo động, lực lượng chức năng cần triển khai ngăn chặn một cách quyết liệt hơn, bởi nạn khai thác cát trái phép không chỉ khiến nguồn tài nguyên khoáng sản mất kiểm soát mà còn trực tiếp gây sạt lở trong khu vực.