Kể từ thời điểm Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo sẽ bị xử phạt nặng hơn so với trước. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế vẫn đặt ra nhiều băn khoăn, liệu đây có là liều thuốc “đặc trị” cho tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo diễn ra nhức nhối bấy lâu nay?
Sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo sẽ bị xử phạt nặng hơn trước.
Mức xử phạt tăng gấp 5 lần
Cụ thể, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP được ban hành đầu tháng 5/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (gọi chung là Nghị định 28).
Trong đó, theo quy định mới đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, chủ sản phẩm được quảng cáo có thể bị phạt tới 10 triệu đồng, tăng 5 lần so với quy định trước đây. Đặc biệt, người có hành vi phát tờ rơi quảng cáo cũng chịu mức phạt tới 500 nghìn đồng…
Thông tin thêm về Nghị định 28, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, Nghị định 28 đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quảng cáo. Theo bà Hương, Nghị định 28 đã bổ sung thêm những chế tài xử lý nhiều hành vi vi phạm mà trước đây chưa có cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt. Đây là điều kiện rất thuận lợi nhằm siết chặt và tiếp tục đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này... Tuy nhiên, để những quy định này đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình triển khai Nghị định 28, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa.
Ông Phạm Tuấn Long- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho rằng: việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cần phải làm rõ đối tượng bị xử phạt gắn liền với hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp người có hàng hóa, dịch vụ ký kết hợp đồng với cá nhân, tổ chức có chức năng quảng cáo thì trách nhiệm thuộc về người thực hiện hành vi quảng cáo nếu có vi phạm, chứ không phải chủ của sản phẩm. Bên cạnh đó, đối với trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, khi chủ sản phẩm bị cá nhân khác “chơi xấu” thông qua hành vi phát, dán tờ rơi quảng cáo bừa bãi, Bộ VHTTDL cần hướng dẫn thực hiện, quy trình xác minh để xử lý đúng đối tượng... Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng cần chủ động, linh hoạt áp dụng hình thức hỗ trợ phù hợp đối với cá nhân, tổ chức có đóng góp vào việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong quảng cáo.
Cần xử nghiêm vi phạm
Có thể thấy, hành vi quảng cáo không đúng quy định đang gây ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội, tuy nhiên, do thiếu chế tài, hoặc chế tài yếu dẫn đến việc khó chấn chỉnh tình trạng này. Theo ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, khi chế tài đã đủ mạnh, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo không phải là khó. “Điều quan trọng là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương ra sao” - ông Thành cho biết. Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng, để xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, nhất thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là ngành thông tin và truyền thông trong quản lý sim “rác”. “Đại đa số các số thuê bao được niêm yết trên tờ rơi quảng cáo là sim rác, do đó, để truy xử lý các trường hợp này là rất khó” - bà Giang nêu.
Như đã thông tin, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Theo đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo trên phạm vi cả nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiếp nhận quảng cáo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo cạnh tranh lành mạnh, xây dựng môi trường quảng cáo minh bạch, tin cậy, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa Việt Nam… Điều đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc chấn chỉnh sai phạm, lập lại trật tự trong lĩnh vực quảng cáo.
Tuy nhiên, để công tác này thực sự có chuyển biến, mang lại hiệu quả như mong muốn đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành chức năng cũng như sự chung tay của toàn xã hội; từng bước nâng cao ý thức chấp hành người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo.