Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Duy Phương (thực hiện) 30/04/2017 09:05

Xuất khẩu của Việt Nam đã về đích ngoạn mục với kim ngạch của năm 2016 đạt 176,6 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, đây được coi là một thành công của xuất khẩu Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Tháo gỡ những khúc mắc này ra sao và làm thế nào để nâng sức cạnh tranh cho DN Việt để từ đó tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững khi mà năng lực cạnh tranh của các DN Việt vẫn yếu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương.

Triển vọng

PV: Năm 2016 trôi qua với những thách thức không nhỏ, tuy nhiên xuất khẩu Việt Nam dã đạt được những con số đáng khích lệ. Chúng ta có thể khái quát đôi chút về bức tranh xuất khẩu của năm qua?

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương: Năm 2016 là một năm rất khó khăn với hoạt động xuất nhập khẩu, những sự cố về thiên tai, môi trường hồi đầu năm đã khiến cho nhóm ngành chính của xuất khẩu là nông lâm thủy sản tăng trưởng âm.

Tuy nhiên thành tích đạt được như chúng ta đã thấy khá ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 9%. Đó là của năm 2016, còn trong 3 tháng đầu năm 2017, tình hình xuất nhập khẩu cũng có nhiều “điểm sáng”.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 43,03 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ. So với mức tăng dưới 10% của cùng kỳ năm ngoái, đây là con số tương đối khả quan. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, đây là một sự bứt phá, nỗ lực lớn của nhà quản lý cũng như cộng đồng DN.

PGS TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung của năm 2016 của nước ta đạt những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động phức tạp, gây nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động XNK.

Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2016 là tín hiệu đáng mừng sau sự sụt giảm xuất khẩu của năm 2015, mở ra hy vọng đà tăng trưởng mới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta trong những năm tới.

Từ bức tranh chung của năm 2016 và những diễn biến của các tháng đầu năm 2017, có thể đánh giá về những triển vọng xuất khẩu của ta trong thời gian tới thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Thời gian tới có thể có một số tác động ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và công tác xuất khẩu nói riêng. Trước hết, về mặt thị trường, nhu cầu các nước có sự suy giảm, nguồn cung tăng lên đặc biệt một số lĩnh vực sắt thép, xi măng, dệt may, nông sản…

Thứ hai, nhiều nước đã và đang áp dụng các hàng rào bảo hộ hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu.

Thứ ba, tăng trưởng các ngành sản xuất của chúng ta, hiện nay chủ yếu tăng trưởng về số lượng quy mô, đó không phải là chiến lược lâu dài, không phải là yếu tố bền vững. Đây là những lý do cho thấy, sẽ có nhiều thách thức về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

PGS TS Nguyễn Văn Nam -​ Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

PGS TS Nguyễn Văn Nam: Tiềm năng xuất khẩu của chúng ta vẫn rất lớn, trong đó, xuất khẩu nông sản nước ta vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Nước ta có thế mạnh của nền nông nghiệp truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, có nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, có khí hậu đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Giá trị mặt hàng nông sản gần 100% là do lao động nước ta tạo ra. Xuất khẩu nông sản là xuất khẩu hàng hóa do nước ta làm ra, giá trị thu về bù đắp cho lao động tạo ra hàng hóa đó, không phải là gia công, lắp ráp để xuất khẩu hộ cho hàng hóa nguyên liệu của nước khác.

Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản. Triển vọng đó đòi hỏi cấp bách phải đẩy mạnh, đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản.

DN Việt phải thể hiện sức mạnh của mình

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu nhưng tính bền vững lại yếu, điều này một phần nguyên nhân chính nằm ở năng lực của DN Việt. Vậy làm sao để khắc phục?

Ông Trần Thanh Hải: Chính phủ đang rất trăn trở với yếu tố bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu. Chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng làm sao để năm nay xuất hàng rồi năm sau vẫn tiếp tục có nguồn cung dồi dào để xuất tiếp và phải đảm bảo được các yêu cầu về mặt chất lượng. Đó là bài toán khó, cũng giống như người tham gia giao thông muốn đi nhanh nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tôi cho rằng, để tăng trưởng xuất khẩu được bền vững, thì giải pháp cốt lõi là phải có nội lực tốt để chúng ta có nguồn hàng xuất khẩu vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo được nguồn cung. Nội lực ở đây chính là năng lực của các DN.

Hiện nay, về mặt gia tăng quy mô xuất khẩu các DN chúng ta đang làm rất tốt. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, chỉ dựa vào quy mô thì không thể bền vững, chúng ta cần phải đi sâu vào giá trị xuất khẩu hơn.

Tôi lấy ví dụ trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn từ điện thoại đến dệt may da giày, đồ gỗ… khối lượng mà chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu vẫn rất lớn và tỷ trọng gia tăng giá trị xuất khẩu vẫn chưa được coi là cao.

Kể cả đối với ngành hàng ô tô cũng vậy. Do đó nội lực ở đây là phải đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới về phương pháp quản trị để chúng ta có thể theo kịp các nước khác, để DN của ta có thể đem lại nhiều giá trị kinh tế cho nước nhà.

Giải pháp tiếp theo cũng không kém phần quan trọng đó là công tác phát triển thị trường. Đây là vấn đề chúng ta đã làm khá tốt thời gian qua. Cả DN và Chính phủ đều đang đồng hành. Chính phủ đang khai thác các thị trường bằng việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do để làm sao tạo được những thuận lợi cho các DN trong việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài thời gian tới. Bên cạnh đó còn phải kể đến hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh…

Đó là những nỗ lực lớn từ phía Chính phủ, nhưng về phần các DN cũng cần phải tập trung tái cơ cấu, cải thiện chất lượng quản trị, năng lực sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá xây dựng thương hiệu. Đây là vấn đề Nhà nước không thể làm thay. DN phải tự xây dựng chiến lược riêng cho mình nếu muốn không bị ngã quỵ trước làn sóng hội nhập.

PGS TS Nguyễn Văn Nam: Tôi muốn nhắc đến hai chữ “thương mại”. Ở đây chúng ta đang rất yếu khâu này. Cho đến bây giờ, sau 10 năm gia nhập WTO, hệ thống bán hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản cả ở trong và khi ra ngoài thị trường thế giới vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu, vẫn chủ yếu theo kiểu thu gom và có gì bán nấy, theo lối tư duy “ăn xổi”, do đó tính rủi ro rất cao, khó nói đến yếu tố bền vững.

Lâu nay chúng ta thường nhắc đến việc sản xuất cần phải chú trọng xây dựng theo chuỗi nhưng hầu như tất cả các khâu của chuỗi đều yếu, từ nhà sản xuất đến khâu phân phối cho đến khâu cuối là giao dịch thương mại, trong đó yếu nhất là khâu thương mại. Nông sản của chúng ta xuất khẩu hay bán hàng trong nước đều phải chịu giá rẻ chính là do yếu ở khâu này.

Do vậy, muốn nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa Việt khi xuất khẩu thì phải cải cách được khâu thương mại. Hội nhập với nền kinh tế thị trường hiện đại chúng ta không thể mãi bằng lòng với hệ thống thương mại nhỏ lẻ hiện nay. Tất nhiên, điều này cũng phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của mỗi DN.

Ngày nay, thế giới bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, bước vào kỷ nguyên số, mọi hoạt động kinh tế, thương mại đều đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi DN và hoạt động xúc tiến thương mại phải ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phải làm chủ công nghệ mới để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Nhiều DN dù nhỏ và vừa nhưng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng internet đã thâm nhập được thị trường sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, tạo điều kiện phát triển kinh doanh, phát triển DN. Sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet thì xúc tiến xuất khẩu vừa mở rộng thị trường vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, hoạt động hiệu quả mang lại nhiều lợi ích to lớn.

Trân trọng cảm ơn các vị!

TS Võ Trí Thành.

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nói đến yếu tố bền vững, tôi cho rằng, điều quan trọng là ở chính bản thân các DN Việt Nam.

Chúng ta đang nói nhiều đến việc nâng sức cạnh tranh, đối diện với làn sóng hội nhập, chúng ta vươn mình ra thị trường thế giới, thì bản thân mỗi DN phải thực sự khỏe, thực sự mạnh.

Phải thực sự vươn lên để thế giới biết đến mình, nghe tên là biết mình. Và như vậy, DN phải nỗ lực để xây dựng bằng được thương hiệu riêng cho mình. Ở giai đoạn hiện nay, để tăng giá trị gia tăng và giá trị hình ảnh Việt Nam, DN của ta cần phải biết kết nối để học hỏi. Điều này đòi hỏi DN phải biết kết nối với những “người khổng lồ”, những người giỏi, những đại gia tầm cỡ.

Lâu nay chúng ta đang nói rất nhiều đến vấn đề làm sao để có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng bản thân tôi, các bạn, các DN của chúng ta thừa biết, mình chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi sản xuất cho nên khoe mình để cho họ biết mình là ai chưa đủ, còn phải cho họ biết mình chơi với ai, ai là đối tác của mình.

Tất cả cái đó vì một mục tiêu quan trọng nhất, đó là thương hiệu và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt, dịch vụ Việt. Mà muốn như vậy, cái mà cần cải thiện nhất bên cạnh nguồn lực là kết nối: Kết nối địa phương, kết nối DN và đặc biệt là kết đối với các đối tác bên ngoài, những đối tác mà mình muốn khoe, muốn học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO