Đến 2030, đội tàu biển Việt Nam đảm nhận 20% thị phần hàng xuất nhập khẩu, đó là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam vừa được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang ký tại Quyết định 1254/QĐ – BGTVT.
Mục tiêu Đề án đặt ra là phát triển đội tàu chuyên dụng container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.
Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.
Đề án đề ra hai giai đoạn để thực hiện, trong đó, giai đoạn 2022 - 2026 sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.
Nghiên cứu xây dựng quy phạm tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt Nam và các nước trong khu vực; Sửa đổi quy định về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam với tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi.
Giai đoạn này cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương; hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài; hoàn thiện Hiệp định vận tải ven biển với Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia; củng cố, nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong ngành…
Đặc biệt, áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.
Đối với giải pháp về tài chính, cho phép không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026. Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 Tes trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG. Cùng đó, miễn thuế thu nhập cá nhân với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa....
Giai đoạn 2026 - 2030, xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia hoặc là thành viên.
Giai đoạn này tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) về cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển…