Chưa bao giờ Việt Nam lại gặt hái được quả ngọt trong kết quả đàm phán như năm 2015, nhiều hiệp định thương mại được ký kết tạo ra những cơ hội hiếm có. Việt Nam đang vượt qua rất nhiều giới hạn tâm lý của một nền kinh tế nhỏ để hội nhập quốc tế. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, các định chế tài chính quốc tế lại dành nhiều mỹ từ đến như vậy để bình luận về nền kinh tế Việt Nam...
Đẩy mạnh sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tăng trưởng GDP năm 2015 ước tăng 6,68%, vượt khá xa so với kế hoạch đề ra là 6,2% từ đầu năm, và cũng vượt trên cả dự báo trước đó được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam là 6,56%. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã “vượt vũ môn” đầy ngoạn mục bất chấp biến động về tài chính và xung đột chính trị đang diễn ra quy mô toàn cầu.
Đặt trong chuỗi so sánh liền kề 5 năm trở lại đây, năm kinh tế 2015 có tốc độ tăng trưởng nổi trội với con số đẹp như mơ. Năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98% thì năm 2015 là 6,68%. Đó chính là những số liệu “biết nói” cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Điểm đặc biệt được chú ý trong năm tài chính 2015 là chỉ số lạm phát tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (CPI bình quân tăng 0,63%). Lạm phát thấp cũng được cho là một trong những yếu tố có tác động tốt cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là yếu tố kích thích tăng chi tiêu của hộ gia đình và tăng tổng cầu của nền kinh tế. Từ đó đã tạo điều kiện để Chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ tích cực.
Niềm tin người tiêu dùng đạt mức cao nhất châu Á
Tờ Channel News Asia của Singapore khẳng định, trong năm 2015, Việt Nam là quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á đã thành công trong việc duy trì ổn định và tăng trưởng.
Nền tảng vững chắc đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng hoàn toàn vào nền kinh tế thời kỳ hội nhập. Kể từ khi thực hiện kết quả khảo sát niềm tin người tiêu dùng vào tháng 1-2014, sau đó hai năm, tức là vào tháng 12-2015 ngân hàng ANZ đã công bố kết quả đánh dấu một kỷ lục: chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 144,8 điểm. Con số này đạt mức cao nhất trong khu vực châu Á.
Niềm tin người tiêu dùng tăng cao do triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới. Gần 60% người tham gia khảo sát kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình sẽ tốt hơn vào thời điểm này năm 2016. Xét về dài hạn, tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng tình hình kinh tế Việt Nam ở trạng thái tốt lên đến 66%, tăng rất mạnh.
Ông Glenn Maguire - Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ lạc quan nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016 - 2017.
Cùng chung nhận định, theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 “điểm sáng” về tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Với lạm phát thấp, lãi suất giảm, nhu cầu nội địa mạnh và môi trường thể chế đang cải thiện, kinh tế năm 2015 nhận được sắc màu tươi sáng và dự đoán những năm tới sẽ tươi sáng hơn.
Vững vàng đón vốn tỷ đô
Những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2015 nói cho cùng không phải ngẫu nhiên mà đạt được, đó là kết quả của sự nỗ lực thay đổi. Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã ghi dấu mạnh mẽ trên chặng đường đàm phán, với kỷ lục hoàn thành 6 hiệp định thương mại tự do trong vòng 1 năm, Việt Nam dường như đang vượt qua rất nhiều giới hạn tâm lý của một nền kinh tế nhỏ.
Ông Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, đây có thể coi là một sự dũng cảm và hăng hái vượt bậc, bởi Việt Nam với năng lực còn hạn chế về chất lượng tăng trưởng, thu nhập trung bình còn thấp mà dám xông pha vào các hiệp định thương mại lớn, mạnh mẽ với các đối tác kinh tế lớn nhiều đến thế. Đây sẽ là một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và những năm tới.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết, sau 25 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam lại ghi dấu ấn mạnh. Toàn năm kinh tế 2015, cả nước thu hút được 22,76 tỷ USD vốn FDI, thực hiện ước tính đạt 14,5 tỷ USD.
Thị trường Việt Nam ngày càng thu hút vốn đầu tư nước ngoài là điều không đáng ngạc nhiên. Trong những năm gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh. Việt Nam vẫn nằm trong số ít các nền kinh tế mới nổi không có suy giảm về đầu tư FDI.
Theo nhận định của bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tỷ trọng vốn FDI đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam trong 10 năm qua tăng nhanh, cơ hội với Việt Nam còn rất rộng mở. Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên- theo bà Kwakwa.
Công xưởng của thế giới
Theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam đang hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Thiên thời là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Địa lợi là làn sóng đầu tư của nước ngoài đang chọn Việt Nam như là vùng trũng để thực hiện đầu tư (ngay từ khi đầu tư vào Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã coi Việt Nam là địa chỉ dự phòng khi chuyển hướng chiến lược). Nhân hòa là chủ trương của Đảng và Chính phủ luôn khẳng định vai trò của khu công nghiệp, khu kinh tế và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.
Bên cạnh đó, lợi thế lao động rẻ và dồi dào, việc đã và sắp tham gia hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương... càng khẳng định Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhà sản xuất gia công da giày lớn nhất thế giới Pou Chen đang có kế hoạch chuyển nhà máy sang Việt Nam để tận dụng lợi thế từ TPP. Chưa hết, gần đây nhất, Singha Group- tập đoàn đến từ Thái Lan quyết định chi 1,1 tỷ USD để đầu tư vào tập đoàn Masan Group- một doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực tư nhân hiện nay của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi là yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam muốn trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. “Làn sóng đầu tư đang chạy từ phương Bắc xuống phương Nam là cơ hội cho nước ta, nhưng chỉ nếu gặp thuận lợi thì làn sóng đó mới dừng lại, còn nếu gặp ghềnh thác, họ sẽ bật ra, nhà đầu tư luôn có nhiều lựa chọn”- theo ông Đông.
Cũng vào tháng cuối cùng của năm 2015, Ngân hàng HSBC đã công bố báo cáo Dự báo Thương mại toàn cầu, trong đó đánh giá hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển bền vững nhờ sự đa dạng về thị trường và sản phẩm, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Ở giai đoạn 2016 -2030, với tốc độ dự kiến đạt hơn 10%/năm. HSBC cho rằng Việt Nam sẽ có 3 động lực chính hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, gồm lực lượng lao động lớn và có chi phí thấp, chính sách hướng tới mở cửa thương mại và FDI, và những yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định.
Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” năm kinh tế 2016 hứa hẹn nhiều hoa thơm trái ngọt.
Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên- theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.