Trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước đã xảy ra 47 trận sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói, không chỉ khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Bắc Bộ, mà Hà Nội cũng đã xuất hiện những trận sạt lở. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này?
Có hiện tượng tích trữ?
Theo ghi nhận, từ 2 tuần nay, giá gạo bán lẻ tăng đột biến từ 200 - 300 ngàn đồng/tạ và tăng nhiều nhất ở loại gạo thường (xi mềm, bắc hương, BC, khang dân…). Cụ thể, giá gạo BC trước bán 16 ngàn đồng/kg giờ lên 18 ngàn đồng/kg; gạo Điện Biên 16 ngàn đồng/kg tăng 18 ngàn đồng/kg; gạo bắc hương tăng từ 15 ngàn đồng lên 17 ngàn đồng/kg; xi mềm từ 13,5 ngàn đồng/kg lên 15 ngàn đồng/kg; gạo tám Thái hạt nhỏ tăng từ 18 ngàn đồng/kg lên 21 ngàn đồng/kg… Cũng có loại tăng tới 7 ngàn đồng/kg là gạo giống Nhật tăng từ 17 ngàn đồng lên 24 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên phân khúc gạo bình dân lại có người mua nhiều nhất. Còn ở phân khúc cao cấp, các loại Thái xuất khẩu 370 ngàn/túi 10kg, ST25 280 ngàn/túi 10kg, Séng Cù 250 ngàn/ túi 10kg giá lại lăng ít hơn (từ 10 -15 ngàn đồng túi/10kg). Dự báo giá gạo còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Dù gạo tăng giá mạnh nhưng chị Phạm Thu Nguyệt - chủ đại lý gạo bán lẻ gần 20 năm tại ngõ 74 Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: Từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá gạo bán lẻ liên tục tăng, nhất là các loại gạo từ miền Nam, nhưng không có hiện tượng mua tích trữ, thậm chí người tiêu dùng còn mua ít hơn với tâm lý chờ hạ giá. “Thị trường tăng giá khiến đại lý cũng phải tăng theo. Tuy nhiên nếu đại lý tăng giá liên tục khách hàng sẽ phản ứng. Vì thế giá gạo tăng cũng khiến người bán hàng gặp khó, mà không biết tình trạng này kéo dài tới bao giờ, vì hiện mua khó mà bán cũng khó”, chị Nguyệt nói.
Tương tự, chủ đại lý gạo tại ngõ 79 phố Dương Khuê (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thông tin: Giá nhập gạo ở thời điểm hiện tại đã tăng từ 10-15%, loại nào cũng tăng giá, giá có khi tăng từng giờ.
Giá gạo bán lẻ tăng cao cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Chị Nguyễn Ngọc Huyền, phố Dương Khuê (Hà Nội) chia sẻ: Thường thì mỗi lần tôi mua 20kg, nhưng giờ tôi chỉ mua 10kg, chờ xem 2 tuần nữa giá gạo có giảm hay không. Cũng có thể giá gạo tăng liên tục sẽ tạo cơ hội cho nhiều tiểu thương ém hàng nhằm đẩy giá trục lợi gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nói về thực trạng giá gạo biến động mỗi ngày tác động không nhỏ lên đời sống người dân, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định: Gần đây giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong gần 11 năm qua giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng theo. Cụ thể là tăng khoảng 15% trong vòng 6 tháng qua. Trong kịch bản xấu nhất là khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm nay ở các quốc gia châu Á thì giá gạo hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15-20% nữa.
Phân tích giá lúa gạo đang tăng nóng những ngày qua, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: Xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để trả các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hiện tại, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu - là điều bất hợp lý nên sẽ sớm dừng lại khi các doanh nghiệp mua đủ hàng. “Với giá gạo cao như hiện nay, doanh nghiệp chưa có đơn hàng cũng không dám thu mua vì sợ Ấn Độ quay lại thị trường, giá sẽ "sập". Với các số liệu hiện có, Ấn Độ vẫn thừa gạo cần phải xuất khẩu, họ chỉ cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá nội địa. Giá gạo tăng quá mức không có lợi vì chỉ khoảng 1/3 dành cho xuất khẩu, 2/3 tiêu thụ nội địa", ông Nam khuyến cáo.
Trước diễn biến giá gạo bán lẻ tăng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ưu tiên bình ổn cho người tiêu dùng
Với nỗi lo về an ninh lương thực và sốt ảo có thể đẩy giá gạo tiêu dùng trong nước tăng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cảnh báo: Giá gạo thế giới tăng thì giá lúa gạo trong nước sẽ tăng, điều này là bình thường với quy luật thị trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quản lý, kiểm soát tốt khâu thu mua, xay xát, chế biến, xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua thì có thể dẫn đến tình trạng tranh nhau thu mua, gây hỗn loạn thị trường lúa gạo trong nước. Do đó, rất cần sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tránh tình trạng giá gạo tại thị trường nội địa tăng quá mức, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Nhận định về tình hình trên, giới chuyên gia cho rằng: Hiện nay giá lúa gạo tăng là tín hiệu tốt cho bà con nông dân. Tuy nhiên, giá lúa gạo đầu vào đang là tăng ảo. Thị trường Việt Nam hiện nay có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân, hợp tác xã. Đối với 50 doanh nghiệp này, khi giá lúa gạo lên xuống hai bên đều có sự chia sẻ lợi nhuận lẫn rủi ro nên có mối quan hệ bền chặt, khó bẻ kèo. Đối với 130 doanh nghiệp không liên kết theo chuỗi thì gặp khó khăn hơn. Bởi nếu doanh nghiệp không giao đơn hàng như đã ký kết thì phải đền hợp đồng xuất khẩu, thiệt hại rất lớn cũng như mất uy tín với khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp rất cần và tăng thu mua lúa gạo để trả hợp đồng. Điều này đã đẩy giá lúa gạo cao như hiện nay. Khoảng 2 tuần nữa thị trường lúa gạo sẽ trở lại ổn định. Đặc biệt, hiện Việt Nam có 46 triệu tấn lúa dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, người dân không nên lo lắng.
Tại phía Bắc, vựa lúa Điện Biên hiện nguồn cung đang khá dồi dào, ông Nguyễn Thanh Trường - Giám đốc Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Trường Hương (Công ty Trường Hương) - đơn vị cung cấp số lượng gạo lớn tại thị trường Điện Biên hiện nay cho biết, giá lúa gạo hiện vẫn giữ nguyên, chưa có sự điều chỉnh. Mỗi tháng công ty cung cấp ổn định ra thị trường khoảng 20 tấn gạo các loại, vào những tháng cao điểm du lịch thì có thể lên đến 30 tấn.
Theo ông Trường, giá lúa gạo trên thị trường tăng nhẹ nhưng chúng tôi quyết định không điều chỉnh giá trong hơn 1 năm nay. Công ty xác định tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân ở lòng chảo Mường Thanh là chính, do đó vẫn giữ nguyên giá các loại gạo, kể cả loại gạo cao cấp.
Thời điểm này, ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TPHCM) cho biết, thành phố luôn xác định đảm bảo nguồn cung ứng gạo, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối. Thành phố đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện các phương án tạo nguồn, thu mua, dự trữ gạo.
Chỉ riêng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đã cung ứng cho thành phố khoảng 3.311 tấn/tháng. Nguồn cung gạo đầy đủ, đồng thời, đảm bảo thấp hơn 5% giá bán trung bình trên thị trường để phục vụ người dân. Các doanh nghiệp trên địa bàn luôn chủ động, triển khai kịp thời các giải pháp, nếu có tình huống xảy ra do biến động hoặc sốt giá cục bộ tại TPHCM.
Ở góc nhìn chuyên gia, GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam kiến nghị: Việt Nam không lo thiếu gạo nhưng vấn đề giá bình ổn cho người tiêu dùng cần được ưu tiên. Nếu giá tiếp tục tăng, Nhà nước cần sớm có sự can thiệp.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Đảm bảo nguồn cung lúa gạo
Khó xảy ra tình huống mất cân đối cung - cầu trong ngành lúa gạo, ảnh hưởng đến an ninh lương thực vì chỉ đạo của Chính phủ, Nhà nước ưu tiên cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu rất có kế hoạch sát sao. Cùng với đó, nguồn cung gạo hiện nay vẫn dồi dào ở các vùng Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Nam Trung Bộ, Thái Bình, trung du miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, khi cân đối nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân, cho chế biến, cho làm giống đều đã nâng tỉ lệ lên rất cao. Với nhu cầu tiêu thụ, thống kê trung bình mỗi tháng 1 người dân Việt Nam ăn khoảng 7,5kg gạo thì khi tính toán đã nâng lên 9kg/tháng.
Vậy nên giá lúa gạo tăng hiện nay là do khó khăn trong công tác thu mua gạo của các doanh nghiệp không có liên kết vùng sản xuất. Một vấn đề khó nữa với doanh nghiệp hiện nay là có thể thiếu tiền mua và không dám mua vào thời điểm này do giá tăng cao, chứ không phải là nguồn hàng thiếu.
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ: Việt Nam cần có chiến lược dài hạn
Đây thời cơ ngàn năm có một, không nên bỏ qua để giúp ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc, định vị thương hiệu toàn cầu. Chúng ta đã từng bỏ qua các thời cơ vàng trong quá khứ như năm 2008. Năm 2008, lượng dự trữ gạo trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, Thái Lan đã tận dụng cơ hội này xuất khẩu gạo với giá hơn 1.000 USD/tấn - mức cao hiếm có trong lịch sử.
Tôi hy vọng lần này, chúng ta không bỏ qua cơ hội, bởi với kỹ thuật và trình độ canh tác, sản xuất gạo Việt Nam hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Về mặt sản xuất nông nghiệp, chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó, Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam.
Dù vậy, ngành lúa gạo không chỉ tận dụng cơ hội trong thời điểm này, bởi biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục. Do đó, chúng ta cần có chiến lược dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân “bớt khổ”, còn doanh nghiệp cũng có cơ hội để thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.
Theo đó, doanh nghiệp cần thương thảo được các hợp đồng dài hạn, từ đó quay về địa phương đặt hàng với hợp tác xã, bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất ra những sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết các khó khăn về vốn, xây dựng nhà máy, đầu tư chế biến sâu. Bên cạnh đó, bà con cần phải là những người nông dân đổi mới. Cơ hội đã tới thì phải làm sao cho hạt lúa của mình đưa ra khỏi cánh đồng là những hạt gạo vừa sạch, vừa ngon và bán được giá hơn.