Câu chuyện vốn cho doanh nghiệp đang được đặt ra cấp thiết. Bởi theo thống kê, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm trên 90% tổng số DN của cả nước nhưng lại chiếm chưa đến 1/4 tổng vốn tín dụng, điều này cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của DN SME vẫn còn khó khăn. Mối quan hệ cộng sinh ngân hàng – doanh nghiệp vẫn gặp nhiều lực cản.
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Chưa đồng hành
Ngày 25/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Trước đó, một ngày, một hội thảo bàn về cách tiếp cận vốn cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng được tiến hành.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đã nhắc lại một khái niệm quen thuộc “ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp” nhưng rồi chính ông cũng bình luận, nhiều ý kiến lại cho rằng hiện doanh nghiệp và ngân hàng đang đối đầu chứ chưa đồng hành. “Ngân hàng và doanh nghiệp phải sống với nhau như “tình cây và đất”, phải hiểu rằng nếu không có đất cây không thể sống được và ngược lại nếu không có cây thì đất sống với ai” – ông Ánh ví von.
Mô tả thực hơn cho mối quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng tại sao ở Việt Nam lại có lãi suất trên trời là 7% cộng với các loại phí khác là gần 10%. Vậy doanh nghiệp nào có thể tồn tại được với lãi suất 10%/năm? Làm sao doanh nghiệp có thể làm được để trả ngân hàng?
Cụ thể hơn về những kiến nghị gửi đến cơ quan quản lý, bà Hoàng Nghi Trang, kế toán trưởng Công ty cổ phần cơ điện toàn cầu, xuất hàng đi Australia, Mỹ, Nhật, EU… cho rằng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần công khai hơn về thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn này, đồng thời quy trình đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận cần tinh giản hơn nữa.
Phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời, họ muốn được trợ lực thêm vốn và đặc biệt là cần các chính sách kinh tế ổn định để có thể an tâm lên kế hoạch kinh doanh sản xuất. Ý kiến của bà Công ty cổ phần cơ điện toàn cầu hay ý kiến của ông Dương chỉ là một dẫn dụ điển hình về khó khăn của doanh nghiệp gặp phải trong tiến trình hội nhập. Đặc thù doanh nghiệp Việt Nam là quy mô nhỏ, vốn ít nên rất khó tham gia vào dây chuyền chuỗi sản xuất giá trị chưa kể kèm với đó là những bất ổn định trong chính sách khiến doanh nghiệp bị co hẹp về năng lực cạnh tranh
Kết quả điều tra của nhiều chương trình cũng cho thấy, chỉ 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Tìm nguyên nhân
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, trong 9 tháng vừa qua, tín dụng ngân hàng tăng trưởng gần 11%; trong đó tín dụng xuất khẩu tăng từ 9-10%, cao hơn gần gấp đôi so cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, con số này chưa được như mong muốn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Ông Lực cho rằng, để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các ngân hàng cần tập trung cải cách các thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng tinh giản hơn cho doanh nghiệp; đồng thời, thiết lập các định chế tài chính, sản phẩm thiết thực, phù hợp hơn nữa với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu như lãi suất, hay bảo hiểm xuất khẩu; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa xuất khẩu toàn cầu.
Cảnh giác với rủi ro
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng gặp khó khăn. Doanh nghiệp chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác là ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dựng dòng tiền của mình. Nhiều DN không xây dựng được phương án vay vốn khả thi, tiềm lực tài chính chưa cao và đặc biệt là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa DN vay vốn với ngân hàng. Điều này đã dẫn đến điều không mong muốn, khoảng cách giữa ngân hàng – doanh nghiệp cứ bị giãn ra.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho rằng, NHNN đã và đang thực hiện hỗ trợ cho vay ưu tiên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đang sâu rộng mà lại cứ đòi hỏi như thế này thì sẽ tạo thành thói quen cho các đối tượng ưu tiên, hội nhập là lúc chúng ta phải có cam kết tạo sự bình đẳng về cơ chế, môi trường đầu tư.
Còn ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình luận: Ngân hàng và doanh nghiệp khi đã tài trợ vốn và sử dụng dịch vụ của nhau là đang cùng trên còn thuyền, mọi sóng gió rủi ro là cùng gánh chịu. Do đó, hai bên nên cảnh giác một số rủi ro lớn có thể làm trầm trọng tài chính của DN xuất khẩu và nợ xấu cho NH.