Giáo dục

Ngân sách cho giáo dục chưa năm nào đạt mức tối thiểu

Vi Cầm 16/12/2023 09:12

Trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra.

bai-phu.jpg
Các chuyên gia nói giáo dục đào tạo chưa được đầu tư đúng mức. Ảnh: Quang Vinh.

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, một trong những thành tựu nổi bật mà ngành GDĐT đạt được trong 10 năm qua là hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GDĐT; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng nêu vấn đề: Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước, theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Nhìn vào bảng tỷ lệ % chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo có thể thấy, mức chi cao nhất là 19,1% của năm 2019. Các năm còn lại dao động từ 15,7% đến hơn 18%.

Bộ GDĐT cho rằng, mức đầu tư trên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập. Ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi cho lương, thậm chí một số địa phương không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, nhất là trong triển khai chương trình GDPT 2018.

Những số liệu trên còn cho thấy đầu tư cho giáo dục đại học (ĐH) còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước. Nhiều trường công lập không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng.

Theo số liệu Bộ Tài chính, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 chi cho giáo dục ĐH chiếm 0,96% tổng chi ngân sách nhà nước và tương đương 0,27% GDP. Trong khi đó, mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần lượt là 2,8% và 1%. Ở các nước Liên minh châu Âu, các chỉ số này là 2,6% và 0,9%.

Tại hội nghị nói trên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhận định, tự chủ ĐH là giải pháp có tính đột phá. Trong thời gian vừa qua, tự chủ ĐH đã đem lại sức sống, động lực cho sự phát triển giáo dục ĐH. Tuy nhiên, đôi khi có sự đồng nhất tự chủ ĐH với tự chủ tài chính, điều này dẫn tới việc một số cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chú trọng cắt giảm ngân sách đầu tư và chi tiêu thường xuyên, chưa chú ý xây dựng cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp với tự chủ ĐH. Nhiều quy định trong các văn bản hiện hành không phù hợp, thậm chí còn hạn chế xu hướng tự chủ ĐH.

Theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và Luật Giáo dục 2019, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo. Song báo cáo dự toán ngân sách cho giáo dục năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ 50% địa phương đạt tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập tối thiểu. Một số địa phương chi cho hoạt động chuyên môn trên 20% như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và TPHCM. Những địa phương chỉ đảm bảo tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn dưới 10% là Hà Giang (4%), Tuyên Quang (3%), Sơn La (9%), Hòa Bình (6%) và Sóc Trăng (6%).

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, việc thể chế hóa Nghị quyết 29 còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về GDĐT; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên, chưa thể hiện được quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu…Vì vậy, Ban cán sự đảng Bộ GDĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

Một số địa phương chi cho hoạt động chuyên môn trên 20% như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và TPHCM. Những địa phương chỉ đảm bảo tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn dưới 10% là Hà Giang (4%), Tuyên Quang (3%), Sơn La (9%), Hòa Bình (6%) và Sóc Trăng (6%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân sách cho giáo dục chưa năm nào đạt mức tối thiểu