Nhiều nhà bán lẻ của Việt Nam đã và đang liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài và nguy cơ các DN bán lẻ bị thâu tóm hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là cảnh báo của lãnh đạo Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương) tại Hội thảo Phản biện, góp ý xây dựng chính sách – pháp luật: Nhận thức và hành động của cộng đồng DN bán lẻ diễn ra ngày 3/3, tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Hoàng Long.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ bị nước ngoài nhòm ngó
Nhận định về xu thế hội nhập hiện nay, ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương) cho hay, hội nhập có nghĩa thị trường sẽ mở cửa rất rộng lớn. Với việc hầu hết các dòng thuế điều chỉnh bằng 0%, đây là cơ hội để các DN bán lẻ Việt Nam giảm chi phí nhờ nhập khẩu được các nguồn nguyên liệu giá rẻ và đa dạng hơn.
Đó là một lợi thế lớn, tuy nhiên, theo ông Cường, làn sóng nhà đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam liên kết, sáp nhập với các nhà bán lẻ trong nước cũng đưa đến những lo ngại về nguy cơ có thể DN bán lẻ Việt sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Cường nêu thực tế: Hàng loạt các ông lớn trong ngành bán lẻ của Thái Lan đã và đang nhắm đến các DN có thị phần và quy mô lớn tại Việt Nam. Đơn cử như câu chuyện Tập đoàn BJC mua lại Metro và gần đây rộ lên thông tin người Thái tiếp tục nhắm tới việc mua lại BigC Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh liên kết cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ nhắm đến để thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh, liên kết đã mua khoảng 10 – 20% cổ phần của một số DN bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Fivimart, Nguyễn Kim và Trần Anh, Citimart…
“Mới đầu, họ chỉ mua 10 – 20% cổ phần, nhưng lâu dần họ sẽ thâu tóm toàn bộ, đó là điều chắc chắn xảy ra” – ông Trần Bá Cường khẳng định.
Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam đang hội nhập và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mở ra những tiềm năng lớn, họ coi Việt Nam là mảnh đất màu mỡ trong lĩnh vực dịch vụ và phân phối. Đây là lý do thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Cường đặt câu hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào thị trường của chúng ta, tại sao các nhà bán lẻ Việt Nam không làm được điều ngược lại?
“Tôi đi một số nước như Mỹ, Singapore… và thấy Nhật Bản họ có các siêu thị chuyên biệt, chỉ bán các sản phẩm “made in Japan”. Tại sao Việt Nam không mở được các siêu thị như vậy hay những cửa hàng tiện lợi chỉ bán hàng “made in Việt Nam”. Các nước đã mở cửa và đó là cơ hội để DN của chúng ta bước chân vào thị trường họ một cách dễ dàng. Chúng ta hoàn toàn có thể có Coop mart ở Mỹ, Hapro ở Chi Lê hay ở Singapore tương tự như người Nhật họ đang làm” – ông Cường nhấn mạnh.
Tất nhiên, ở cả 2 chiều, theo ông Cường, đều đặt ra cho các nhà bán lẻ của Việt Nam yêu cầu về việc tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao khả năng quản lý, nắm bắt thị trường cả trong nước và quốc tế.
Nếu vẫn ngủ quên DN bán lẻ Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp Việt đừng ngủ quên nữa!
Ở một khía cạnh khác, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam lại cho rằng, DN Việt Nam không nên quá lo lắng về việc sẽ có nguy cơ bị thâu tóm khi thị trường tiếp tục diễn ra các vụ mua bán, sáp nhập và trong tương lai, xu hướng này vẫn chưa thể dừng lại.
“Sáp nhập, liên kết, liên doanh là xu hướng tất yếu của thời kỳ hội nhập. Chúng ta không thể kìm hãm nó mà phải đi theo xu hướng đó. Song, chúng ta không nên quá e ngại hay tỏ ra chùn bước trước xu thế này, vì nhà đầu tư nước ngoài họ vào Việt Nam họ sẽ mang theo cả những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại. Đây chính là cơ hội để chúng ta học tập và thừa hưởng những công nghệ hiện đại đó. Và từ đó mới có thể nâng được sức cạnh tranh” – TS Đinh Thị Mỹ Loan nhận định.
Bởi vậy, theo bà Loan, các nhà bán lẻ Việt Nam nên tận dụng thời cơ này để thay đổi, nâng cao năng lực của chính mình trong lĩnh vực dịch vụ, phân phối để có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Đồng tình với ý kiến của TS Loan, đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, các Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang tiến hành ký kết, dù là WTO hay TPP, về bản chất cũng vẫn là mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại, do đó áp lực cạnh tranh là rất lớn, không chỉ riêng đối với lĩnh vực bán lẻ mà với tất cả các lĩnh vực kinh tế khác.
“Hàng chục năm qua, tôi chứng kiến nền kinh tế của chúng ta hội nhập nhưng các DN của Việt Nam lại không hội nhập, để các DN, nhà đầu tư nước ngoài lấn sân kinh quá. DN Việt đừng ngủ quên nữa, cần phải thức giấc và vượt qua những yếu kém của mình mới có thể trụ được trước những đối thủ mạnh như Nhật Bản, Thái Lan và tới đây là Mỹ và những đối thủ đáng gờm khác” - đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhấn mạnh.