Nghệ sĩ vốn được coi là người của công chúng, vì thế nhất cử nhất động thường được quan tâm. Trên mạng xã hội cũng vậy, những status (dòng trạng thái) của các nghệ sĩ thường có sức lan tỏa, nhận được nhiều tương tác, bình luận. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã dùng mạng xã hội để “nổ” nhằm câu view, thậm chí đưa những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận.
3 nghệ sĩ Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng đưa thông tin sai về virus corona trên mạng xã hội đã bị xử phạt.
1. Mới nhất là chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Cát Phượng và diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ thông tin sai lệch, gây tâm lý hoang mang cho dư luận giữa thời điểm virus corona bùng phát tại nhiều quốc gia. Cụ thể, hôm 26/1, fanpage của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin hai người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật. Bài đăng sau đó được gỡ bỏ. Cũng ngày hôm đó, diễn viên Cát Phượng viết trên trang cá nhân: “Dịch bệnh đã đến quận 1, rồi sẽ lan tràn đến quận 3, quận 5, quận 7...”. Nữ diễn viên đã kêu gọi khán giả mua, dùng một số loại khẩu trang lọc khí thông minh. Còn Ngô Thanh Vân, sáng 31/1 chia sẻ trên fanpage thông tin vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa thời điểm virus corona bùng phát tại nhiều quốc gia. Trên thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ở chiều ngược lại.
Các status này đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người hâm mộ, và gây ra những thông tin sai lạc. Ngay sau đó, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM đã trực tiếp liên lạc với các nghệ sĩ để mời đến trụ sở làm việc. Theo biên bản làm việc, ba nghệ sĩ đều chia sẻ, do muốn thông tin cho người dân về virus corona nên đã đưa tin thiếu kiểm chứng. Sau khi xác minh thông tin, cả ba đã gỡ bỏ. Ba nghệ sĩ đều cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật và mong Sở xem xét xử lý nhẹ. Sau đó, cả ba nghệ sĩ bị Sở xử phạt theo Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 do Chính phủ quy định. Mỗi nghệ sĩ bị phạt 10 triệu đồng. Lý giải việc xử lý này, đại diễn Sở TTTT TP HCM cho biết, theo quy định của khung hình phạt, lỗi vi phạm của tổ chức là 20-30 triệu đồng. Hành vi vi phạm cá nhân là 1/2 so với mức phạt của tổ chức. Chiếu theo khung phạt, mức phạt dành cho mỗi nghệ sĩ là 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, cả ba nghệ sĩ đều nhận thức được sai lầm và chủ động gỡ bỏ nội dung không đúng sự thật nên Sở đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ và phạt mỗi nghệ sĩ 10 triệu đồng.
Sau cuộc làm việc vởi Sở, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Tôi đã tìm thấy bài học dành riêng cho mình ở sự cố, tai nạn nghề nghiệp lần này. Tôi đã không ngần ngại chủ động liên lạc với cơ quan quản lý để trình bày sự việc và lắng nghe sự tư vấn cũng như thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân khi vi phạm pháp luật. Nộp phạt hành chính nghiêm túc và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tôi sẽ chọn lọc và kiểm chứng kỹ các nguồn tin trước khi chia sẻ với mọi người. Ở những thời điểm như thế này, chúng ta phải luôn bình tĩnh và tỉnh táo để cảm nhận thật sâu sắc những thứ đang diễn ra. Giữ gìn sức khoẻ và luôn cập nhật những thông tin chính thống nha mọi người”.
2. Đây không phải là lần đầu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “nổ” trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, ca sĩ này cũng đứng trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay, thậm chí đối diện với luật pháp. Chuyện là khi xem một clip lan truyền trên mạng về cảnh ông bố ở Tiền Giang bạo hành con nhỏ, Đàm Vĩnh Hưng lập tức lên Facebook treo thưởng 20 triệu đồng để xúi giục cộng đồng mạng tìm cho ra ông bố đó để “dạy dỗ”. Đây là sự quá đà và cực đoan, thậm chí vi phạm pháp luật. Và sau lời kêu gọi và hứa hẹn mức tiền thưởng hấp dẫn của “mr Đàm”, không ít đối tượng quá khích đã truy lùng ra ông bố và cho một trận nên thân. Nhận vô số phản hồi tiêu cực, Đàm Vĩnh Hưng mau chóng lên tiếng xin lỗi, thừa nhận mình quá thương con trẻ và bản thân còn hạn chế về kiến thức pháp luật.
Ca sĩ Duy Mạnh cũng từng bị khán giả chỉ trích kịch liệt khi bình luận tương tác với người hâm mộ. Cụ thể, một khán giả đùa rằng “Anh ăn gì mà suốt ngày yêu đời thế?”. Câu trả lời của nam ca sĩ khiến người hâm mộ không khỏi đỏ mặt vì độ tục tĩu. Phía bênh vực thì cho rằng anh trả lời rất đỗi chân thật, vô tư. Thế nhưng, phần đông công chúng không thể chấp nhận kiểu nói chuyện bỗ bã, tự nhiên chủ nghĩa thái quá này.
3. Không thể phủ nhận ưu thế của việc sử dụng mạng xã hội trong việc lan tỏa, chia sẻ thông tin. Với nghệ sĩ cũng vậy, mạng xã hội là công cụ hữu hiệu kết nối nghệ sĩ và khán giả. Đó là con đường nhanh nhất, hiệu quả và không tốn kém. Trang cá nhân của nghệ sĩ trên mạng xã hội cũng là nơi để người hâm mộ có thể dễ dàng bày bỏ tình cảm, tương tác trực tiếp với thần tượng, hiểu hơn về cuộc sống đời thường cũng như quan điểm cá nhân của thần tượng trước các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, chính vì quá vô tư, nhiều nghệ sĩ không kiểm soát mình khi tham gia sân chơi này.
Việc các cơ quan quản lý sát sao trong việc xử lý những thông tin sai, gây bất an trong dư luận như cách mà Sở TTTT TPHCM xử lý 3 nghệ sĩ Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hững vừa qua là việc làm kịp thời, cần thiết. Điều đó cũng cảnh tỉnh các hành vi đến từ giới nghệ sĩ, không chỉ trong “thời dịch bệnh” mà cần có sự cẩn trọng trong những chia sẻ trên mạng xã hội.
Việc các cơ quan quản lý sát sao trong việc xử lý những thông tin sai, gây bất an trong dư luận như cách mà Sở TTTT TPHCM xử lý 3 nghệ sĩ Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hững vừa qua là việc làm kịp thời, cần thiết. Điều đó cũng cảnh tỉnh các hành vi đến từ giới nghệ sĩ, không chỉ trong “thời dịch bệnh” mà cần có sự cẩn trọng trong những chia sẻ trên mạng xã hội.