Nghỉ hè là thời điểm trẻ dễ tăng cân mất kiểm soát, chính bởi trẻ được nghỉ học, ít vận động và tâm lý của các bậc phụ huynh muốn thoải mái trong chuyện ăn ngủ của con. Hệ quả là không ít trẻ rơi vào tình trạng béo phì sau mùa hè, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Dù kỳ nghỉ hè chỉ mới bắt đầu, thế nhưng, chị Nguyễn Thanh H. (34 tuổi, Hà Nội) đã không khỏi lo lắng khi phát hiện con trai (10 tuổi) của chị đã tăng cân nhanh sau thời gian ngắn.
GS.TS Lê Danh Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia nêu thực trạng: Vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, dẫn đến việc trẻ muốn uống nhiều nước ngọt. Trẻ ngủ nướng nhiều hơn, xem ti vi, máy tính bảng liên tục... cũng thường thấy ở nhiều gia đình. Tất cả những yếu tố trên đều làm cho trẻ dễ béo phì. Trong khi đó, nhiều người quan niệm rằng, cứ cho trẻ ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe. Tuy nhiên, họ lại không ước lượng được khẩu phần ăn thế nào là đủ nên thường cho con ăn quá mức. Đồng thời, không thể không nhắc tới quan điểm là khi trẻ nghỉ ở nhà có thể ăn bất cứ lúc nào và ngủ nghỉ thoải mái. Mặt khác, khi phụ huynh thấy con tăng cân quá mức lại cắt giảm bữa ăn đột ngột, hay bắt con nhịn ăn cũng tác động xấu đến thể trạng của trẻ. Rối loạn nhịp độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, gây nguy cơ thừa cân, béo phì và kém phát triển về chiều cao.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Trong quá trình thăm khám, gặp không ít trường hợp gia đình cho rằng nghỉ hè cứ cho trẻ ăn ngủ thoải mái, đến khi bước vào năm học, học hành vất vả con sẽ giảm cân ngay, tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Có những trẻ ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3-5kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học đã thừa từ 8-10kg và đến giai đoạn THCS thừa tới 15-20kg”.
BS Nhung thông tin thêm: “Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu với Nhật Bản, chúng tôi đã thực hiện một cuộc điều tra đối với 600 phụ huynh có con đang ở độ tuổi tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong đó, có một câu hỏi như sau: Bạn hãy tự đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của con bạn là bình thường, suy dinh dưỡng, thừa cân hay béo phì? Kết quả cho thấy, 47% trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì được phụ huynh đánh giá là suy dinh dưỡng, thiếu cân, 27% trẻ mắc béo phì nhưng chỉ có 2% số phụ huynh dự đoán đúng tình trạng đó. Thậm chí, có nhiều trường hợp trẻ bị thừa cân, nhưng mẹ vẫn cho là trẻ bình thường và vẫn có thể tăng cân nữa. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, góc nhìn chưa đúng về “béo đẹp”, “bụ bẫm” của không ít các bậc phụ huynh ở nước ta. Hay nói cách khác, có khả năng sau mùa hè, ông bà, cha mẹ cảm thấy con, cháu mình hơi béo thì khi đó, trẻ đã rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì”.
Các chuyên gia cảnh báo, béo phì là căn bệnh ngày càng tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, vô sinh, ung thư… Để ngăn chặn tình trạng béo phì ở trẻ, các bậc phụ huynh không nên dự trữ các đồ ăn chứa nhiều chất béo, chất đường và năng lượng trong tủ lạnh như các loại nước ngọt nước ép trái cây công nghiệp, các loại bánh kem... Những thức ăn này nên được thay thế bằng các loại sữa tươi, sữa chua không đường, hoa quả được cắt nhỏ hay các loại hạt óc chó, hạt điều, hạt lạc dành cho bữa phụ.