Nghiên cứu dùng cát biển làm vật liệu thay cát sông

Việt Thắng 03/11/2022 17:55

Các cơ quan đang nghiên cứu và đề xuất sử dụng cát biển để làm vật liệu san nền thay thế, do nguồn cát biển hiện có thể sử dụng lên đến 150 triệu tỷ m3.

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đăng đàn trả lời chất vấn. ĐB Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) lo ngại đến năm 2045 Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc, tương đương cần 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, dân sinh khác. Vì vậy, nhu cầu cát san lấp là rất lớn, nhưng tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở, sụt lún, bức xúc trong xã hội.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đáp ứng nhu cầu để hoàn thiện các dự án cũng như phương án thay thế cát sông”-ông Sáu nói.

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm đang rất thiếu vật liệu san nền là cát sông.

Theo ông Thắng, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên môi trường nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông trong thực hiện các dự án. “Đến nay các cơ quan đang nghiên cứu và đề xuất sử dụng cát biển để làm vật liệu san nền thay thế, do nguồn cát biển hiện có thể sử dụng lên đến 150 triệu tỷ m3. Nếu thành công, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long, mà có thể áp dụng trên cả nước để thực hiện các công trình”-ông Thắng thông tin.

Song ông Thắng cho biết phải đến cuối năm 2023 mới có kết quả việc liệu có thể thay thế cát biển cho cát sông được không? nhưng nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi. Yếu tố kỹ thuật sẽ cần nghiên cứu, song Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng thành công. Ngoài hai loại vật liệu trên, Bộ cũng có cho phép nhà thầu thực hiện dự án có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu đắp nền thay thế cho cát sông.

Trả lời về ngập úng, tắc đường tại các đô thị, ông Thắng cho biết, ngập úng ở khu đô thị cũ do cốt nền thấp. Khi sửa chữa đường sử dụng công nghệ thi công cũ là trải thảm nên cốt đường cao hơn cốt nhà dẫn đến ngập úng. Rồi hệ thống cống nhỏ không đáp ứng yêu cầu. Do đó về giải pháp cần quản lý chặt quy hoạch đô thị và giao thông đảm bảo đồng bộ, kiểm soát cốt nền, tránh việc cốt khu đô thị cao hơn cốt đường.

Về tắc nghẽn giao thông, theo ông Thắng do áp lực phương tiện giao thông lớn, hạ tầng chưa phát triển kịp. Do đó cần quản lý chặt quy hoạch đô thị, tránh vì lợi nhuận mà phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, di dời các công trình trụ sở cơ quan nhà nước ra khỏi nội đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu dùng cát biển làm vật liệu thay cát sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO