Xã hội

Ngôi làng của ông Công, ông Táo

Nguyễn Quốc 02/02/2024 07:08

Nằm kề bên phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh (phường Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) được biết đến là nơi làm ra những bức tượng ông Công, ông Táo phục vụ cho người dân vào dịp Tết Nguyên đán.

anh1baitren.jpg
Nghệ nhân miệt mài với tác phẩm “ông Công, ông Táo”. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Làng Địa Linh “sinh ra” ông Táo

Ông Võ Văn Nhật (trú tại phường Hương Vinh) cho biết, nghề làm tượng ông Công, ông Táo ở đây có tuổi đời khoảng 300 năm. Và để làm ra những bức tượng ông Công, ông Táo hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn đất sét đến tô màu, trang trí...

“Tôi đã tiếp xúc với công việc này từ nhỏ, cuộc sống của tôi gắn liền với đất sét được lấy ở trên cánh đồng làng. Tôi theo nghề này vừa làm kế sinh nhai, vừa để giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại” - ông Nhật tâm sự.

Theo người dân, để làm ra một tượng ông Công, ông Táo đẹp và bền, giai đoạn quan trọng và cũng vất vả nhất chính là khâu làm đất sét và đúc tượng. Người thợ phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất và khuôn đúc phải luôn được thay mới 2 hoặc 3năm/lần để tượng khi làm ra được sắc cạnh.

Sau các công đoạn, người thợ sẽ dùng màu sắc, kim tuyến trang trí lên những bức tượng ông Công, ông Táo, sau đó đưa đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành ở miền Nam, mỗi năm tất cả hộ dân ở đây cho ra hàng chục nghìn tượng ông Công, ông Táo phục nhu cầu của người dân.

anh2baitren.jpg
Mỗi năm làng Địa Linh cho ra hàng chục nghìn bức tượng ông Công, ông Táo phục vụ nhu cầu của người dân.

Chật vật với nghề

Hiện nay, những người thợ lành nghề và tâm huyết ở làng Địa Linh luôn chật vật với cuộc sống mưu sinh vì làm một nghề không đủ ăn.

Anh Võ Văn Hải (trú tại phường Hương Vinh) cho biết, nghề làm tượng ông Công, ông Táo bắt đầu làm từ giữa năm cho đến gần Tết Nguyên đán. Làm việc quần quật suốt nửa năm nhưng gần như người thợ chỉ đủ tiền phục vụ cho mấy ngày Tết của gia đình, còn lại họ phải vất vả làm đủ nghề mưu sinh.

Để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, nhiều người dân trong làng ngoài làm tượng ông Công, ông Táo còn làm thêm nhiều nghề khác như phụ hồ, làm ruộng... để có thêm thu nhập phục vụ cho nhiều chi phí trong cuộc sống, đến thời điểm gần Tết khi có nhiều nơi đặt hàng thì họ bắt đầu nghỉ những công việc đó, tập trung vào để làm tượng.

Đang ngồi tô điểm lên những bức tượng để chuẩn bị đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ, chị Võ Thị Hằng cho biết, năm nay gia đình chị làm ra khoảng 50.000 bức tượng ông Công, ông Táo phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Chị Hằng chia sẻ, để giữ được khách hàng, công việc đúc tượng ông Táo của gia đình luôn duy trì quanh năm. Càng gần Tết lượng khách hàng càng đông, công việc vì thế cũng trở nên vất vả hơn. Ngày nào chị cũng phải thức dậy từ 4h sáng, quần quật cả ngày mới kịp hàng để giao cho khách.

“Nghề làm ông Táo thu nhập không nhiều, chỉ đủ sống qua ngày. Do thu nhập thấp nên nhiều người cũng không còn mặn mà với nghề. Có những gia đình ngoài làm tượng ông Công ông Táo họ còn làm thêm nhiều nghề khác để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống” - chị Hằng trải lòng.

Theo nhiều người dân, trước đây ở ngôi làng này, hầu như nhà nào cũng làm tượng ông Táo. Tuy nhiên, do công việc vất vả, phải thức khuya dậy sớm, trong khi thu nhập không cao nên hiện nay cả làng chỉ còn vài hộ dân còn theo nghề này để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.

Ông Tạ Dương Anh Tuấn - Chủ tịch phường Hương Vinh cho biết, trước đây làng Địa Linh có rất nhiều người làm nghề sản xuất tượng ông Táo. Tuy nhiên, do tượng sản xuất ra chỉ bán phần lớn vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm, người làm tượng có thu nhập thấp nên dần về sau, số người làm tượng giảm dần. Đến nay trên địa bàn phường Hương Vinh chỉ còn 4 hộ gia đình vẫn duy trì nghề làm tượng ông Táo.

Theo ông Tạ Dương Anh Tuấn, trong những năm qua, chính quyền các cấp cùng các ban ngành đoàn thể luôn quan tâm, tạo điều kiện, tuyên truyền vận động để người dân ở làng Địa Linh giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

“Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các tour, tuyến du lịch, thông qua các kênh thông tin để tăng cường quảng bá nghề làm tượng ông Công, ông Táo đến du khách trong và ngoài tỉnh, với mong muốn người dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống mà ông cha để lại”, ông Tuấn chia sẻ.

Những ngày này, trời xứ Huế trở lạnh, những người thợ vẫn tất bật với công việc của mình với mong muốn có thêm thu nhập, để trang trải những chi phí vào ngày Tết, với hy vọng mùa Xuân này ấm áp hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi làng của ông Công, ông Táo