Đó là ông Nguyễn Màng, sinh năm 1933, ở thôn Dương Nổ Tây, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Năm 22 tuổi, chàng trai Nguyễn Màng đã bắt đầu để tâm đến nhà rường. Từ đó ông đã gắn bó cả đời mình với nhà rường xứ Huế.
Ông Nguyễn Màng vẫn cặm cụi với những ngôi nhà rường truyền thống.
Mới 15 tuổi (1948) do điều kiện gia đình khó khăn nên Nguyễn Màng đã “gác bút” để theo học nghề mộc với những người trong thôn. Tiếp đó, năm 22 tuổi, ông tiếp cận với nhà rường. Năm 30 tuổi, ông Màng đã là nghệ nhân làm nhà rường nổi tiếng ở đất cố đô.
Là người luôn day dứt, trăn trở trước nạn “chảy máu” nhà cổ, tình yêu nghề, sự say mê nhà rường đến với ông lúc nào chẳng hay; ông học tập kinh nghiệm từ các nghệ nhân nhà rường đàn anh, vừa tìm mua lại cái cột, kèo của những ngôi nhà cổ bị dỡ bỏ.
Với ông Màng, thợ mộc trước hết phải biết “thổi hồn” vào trong từng thớ gỗ, đồng thời phải hiểu biết về từng loại gỗ để phân loại, sản xuất các sản phẩm từ gỗ sao cho thích hợp. Quan điểm của ông đối với câu “Học thầy không tày học bạn” là chí lí. Và ông đã áp dụng nó trong suốt hành trình, để mày mò, học hỏi, tìm kiếm, trau dồi kiến thức nghề mộc cho bản thân.
Với ông, việc phục chế, sưu tầm nhà rường cổ là niềm đam mê bất tận, ông xem những cấu kiện của nhà rường mà mình lưu giữ như những báu vật trong gia đình. Bởi nhà rường xứ Huế là nơi hội tụ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người xưa, vừa mang trong mình nét duyên dáng, sự thanh tao, nhẹ nhàng của cuộc sống đời thường; vừa hàm chứa ý nghĩa tâm linh về sự hòa hợp của thiên nhiên và con người
Từ xưa, ông đã từng vào tu sửa, phục chế các công trình như: Thành Nội, Điện Thái Hòa, cột cờ Phu Văn Lâu trong kinh đô Huế. Ngoài ra, ông còn là tác giả của những công trình có giá trị như: đình làng Dương Nỗ (Phú Vang), đình làng An Gia (Quảng Điền), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), chùa Ba La Mật (TP Huế)…
Cùng đó, theo ông nhà rường mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có mẫu mã riêng, mang dáng dấp riêng, ít nhiều phản ánh đời sống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ của từng vùng miền.
Suốt 65 năm qua, ông Màng đã đi nhiều nơi, dựng mới hoặc trùng tu không biết bao nhiêu nhà rường cho đình, chùa, nhà thờ họ, … Để truyền nghề, ông còn mở xưởng tại nhà, đào tạo nghề cho con, cháu của ông. Bình quân mỗi năm, ông còn nhận làm từ 2-3 cái nhà rường để trùng tu. Ông có 4 người con trai thì 3 người đã theo “nghiệp nhà rường” cùng cha.
Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông Màng được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tín nhiệm cử ra Hà Nội dựng 1 cái nhà rường mang đặc trưng xứ Huế. Festival Huế, festival nghề truyền thống Huế... năm nào ông cũng có sản phẩm để triển lãm, trưng bày.
Nay đã hơn 80 tuổi nhưng trông ông vẫn rất hoạt bát, nhanh nhẹn trong từng thao tác và được các “tay thợ” ở đất cố đô tín nhiệm. Đến nay, ông cũng không còn nhớ rõ mình đã “cứu sống” bao nhiêu ngôi nhà rường, chỉ biết là hàng năm ông làm thêm 2-3 căn nhà mới dựng sẵn để bán hoặc cho thuê và vẫn miệt mài phục chế những căn nhà rường hư hỏng nếu ai có nhu cầu.
Ông chia sẻ: “Nhà rường Huế là một kiến trúc độc đáo khác biệt so với trong Nam, ngoài Bắc, cũng chẳng giống phố cổ Hội An. Gỗ để làm nhà rường chủ yếu là gỗ mít, gõ. Ngói dùng để lợp thường là ngói Liệt, ngói Hài, ngói Hạ Long…giá của mỗi ngôi nhà cao thấp phụ thuộc vào chất liệu gỗ và kiến trúc nhà to hay nhỏ. Gỗ tốt thì kiến trúc sẽ tồn tại lâu dài cùng năm tháng, còn gỗ không đạt thì công trình sẽ mau xuống cấp. Mình làm là để giữ lại cho mai sau một kiến trúc rất đẹp của Huế”.
Theo ông Màng, để dựng lên một ngôi nhà rường phải có hàng trăm chi tiết, hàng chục bộ phận khác nhau. Người làm phải nắm được ngõ ngách từng cái cột, cái kèo, cái cù và rất nhiều chi tiết khác, chỉ có “mắt nghề” mới thấu rõ. Thế mới biết, nghề làm nhà rường có muôn vàn điều “bí truyền”, nếu không được kế tục, sẻ chia thì sẽ mai một cùng năm tháng.
Và đó cũng chính là điều ông Màng rất tâm tư.