Hơn 1 tháng qua, tình hình giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang khiến đời sống của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Có nhãn hàng tăng giá 30%, có sản phẩm tăng 50%, nhưng cũng không ít mặt hàng tăng 100% so với cách đây vài tháng. Nhiều người làm công ăn lương bắt đầu nghĩ đến việc “thắt lưng buộc bụng”.
Giá cả leo thang không còn là chuyện mới trong xã hội. Song, vào những lúc như thế này càng khiến cho cuộc sống người dân thêm khốn khổ. Trải qua sự càn quét của “bão dịch” cuộc sống của nhiều gia đình đã vô cùng khốn khó, nay vật giá leo thang từng ngày khó lại chồng khó.
Hầu như tất cả các mặt hàng, từ hàng xa xỉ đến bình dân, từ hàng tiêu dùng cao cấp hay chỉ đơn giản là mớ rau, con cá hàng ngày... đều bị tăng giá, dù ít dù nhiều. Đơn cử, một cái bắp cải nhỏ ngày thường chỉ có giá hơn 10.000 đồng, nay tăng tới tận 30.000 đồng. Thử hình dung với mức thu nhập hiện nay, người tiêu dùng chịu sao thấu?
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá, các quán hàng ăn như bún, phở, miến, cháo... cũng đang “nhìn nhau” để nâng giá. Giờ thì không còn cái giá 25.000 - 30.000 đồng bát bún, bát phở nữa, rẻ nhất cũng phải là 35.000 - 40.000 đồng trở lên.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các mặt hàng đua nhau nâng giá là do giá các nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, gas... đều liên tục tăng cao. Cũng đúng, khi mà một ông chủ quán hàng ăn phải mua bình gas đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với trước đây thì đương nhiên phải tính vào “đầu” người tiêu dùng chứ còn biết sao được nữa.
Hay như các bác tài đương nhiên phải tăng cước vận chuyển vì giá xăng liên tục tăng cao. Dĩ nhiên chủ hàng hóa không bao giờ chịu bỏ tiền túi ra để bù vào số tiền chênh lệch cước phí, mà sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Mỗi khâu trong chuỗi cung ứng hàng hóa đều có lý do để tăng giá, trăm dâu đổ đầu tằm, cuối cùng vẫn là người tiêu dùng “gánh” tất.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, ngoài việc cuộc sống người dân ngày càng khó khăn do giá cả các mặt hàng leo thang, việc không có điểm dừng của giá cả cũng dẫn đến nguy cơ lạm phát. Song, hiện mọi thứ đều đang trong tầm kiểm soát, bởi công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ hết sức linh hoạt.
Dẫu mức lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nhưng việc giá cả không ngừng leo thang đã ảnh hưởng tiêu cực đến đại bộ phận người dân trong xã hội, nhất là nông dân, công nhân và những người làm công ăn lương. Nếu không kịp thời ổn định giá cả, e rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa nhiều gia đình sẽ không biết xoay xở ra sao.
Vẫn biết, trong cơ chế thị trường, Nhà nước khó có thể can thiệp vào giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng không thuộc danh mục Nhà nước kiểm soát giá. Song, nếu không có biện pháp cụ thể, hữu hiệu thì e rằng giá cả vẫn tiếp tục leo thang không có điểm dừng, sẽ phát sinh hệ lụy xấu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước mắt Chính phủ cần kiểm soát chặt giá cả các nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, gas..., từ đó sẽ dễ dàng điều chỉnh giá cả các mặt hàng khác, bình ổn thị trường. Chính phủ cần sử dụng hữu hiệu những “cây gậy” sẵn có, đó là các mặt hàng thuộc danh mục kiểm soát giá, để từ đó tạo hiệu ứng dây chuyền điều chỉnh các mặt hàng khác trên thị trường.