Kinh tế

Người tiêu dùng trước áp lực giá cả

THANH GIANG 10/08/2024 10:25

Một số liệu khảo sát cho thấy, 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 - 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định.

tren.jpg
Chi tiêu sao cho khéo đang trở thành áp lực đối với người tiêu dùng.

Nhiều nhóm hàng tăng giá

“Kinh tế khó khăn mà nhiều mặt hàng tăng giá, từ thực phẩm chế biến đến thực phẩm tươi sống. Tôi đang cố gắng xem xét kỹ các khoản chi tiêu hàng ngày nhưng với mặt hàng thiết yếu thì tăng giá vẫn phải mua” - bà Nguyễn Thị Huệ (quận Gò Vấp, TPHCM) than thở. Ghi nhận của phóng viên, nhiều mặt hàng tại các chợ có sự thay đổi về giá theo chiều hướng tăng. Giá thịt heo ba rọi đang dao động từ 140.000 đồng – 180.000 đồng/kg, tùy loại; thịt heo đùi đang ở mức từ 100.000 – 120.000 đồng/kg... Mặt hàng cá biển cũng tăng khoảng 5.000 – 15.000 đồng/kg. Đơn cử, cá bạc má trước đây có giá 110.000 đồng/kg nay lên thành 120.000 đồng/kg, giá cá bớp trước đây là 270.000 đồng/kg giờ lên thêm 20.000 đồng/kg... Mặt hàng rau củ cũng tăng giá với lý do mưa nhiều nên thu hoạch kém.

Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2024 tăng 0,23% so với tháng trước. Trong đó, có 7/11 nhóm tăng với mức tăng cao nhất. Đơn cử, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, tác động CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 0,10% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%. Ở nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,32%, giá bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 1,15%, lương thực chế biến tăng 0,20%. Trong khi đó, ở nhóm thực phẩm, thịt gia súc tăng 0,77%, giá trứng các loại tăng 2,10%, giá thủy sản chế biến tăng 0,14%.

Ông Trần Phước Tường – Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,45% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,29%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế với mức tăng 7,78%, kế đến là nhóm giáo dục tăng 7,48%.

Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - phụ trách phát triển thị trường dịch vụ bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng, có 82 nhóm ngành hàng tăng giá, kể cả thực phẩm. “Giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng không muốn mua cũng không được vì có nhiều mặt hàng thiết yếu trong đó. Người tiêu dùng đang lo lắng về tài chính nhưng khi mua sắm thì toàn thấy tăng giá” - bà Dung nói.

Quan tâm và kìm giá hàng hóa

“Giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chịu khó tiết kiệm và tăng cường tiết kiệm. Khảo sát cho thấy, 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 – 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. Chính vì quan tâm đến giá hàng hóa nên chỉ cần giá hàng hóa nhích lên là người tiêu dùng nhận ra liền, đồng thời sẽ so sánh kỹ” - bà Dung nhấn mạnh đồng thời cho hay, có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng. Bởi vì mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) thông tin, hiện giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7. Ông Thắng cũng cho biết, Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức như chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán: không chỉ khuyến mãi mà còn là hình thức mua sản phẩm tặng sản phẩm; tổ chức các phiên chợ đồng giá, tham gia các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu,...

Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt; các quận huyện đang bám sát thị trường để nắm rõ diễn biến giá cả. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… Ngoài ra, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong mua sắm, TPHCM triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường. Theo đó, sẽ có hơn 40 nhóm hàng thiết yếu, với gần 500 sản phẩm dành cho mỗi gia đình như: thực phẩm khô, gia vị, bánh kẹo, nước giải khát, nước giặt, nước xả vải, sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng,… Với chương trình này, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng giảm giá lên đến 80%, hàng chục nghìn sản phẩm ưu đãi có giá 1.000 đồng, gian hàng đồng giá 39.000 đồng – 49.000 đồng, khuyến mại mua 1 tặng 1...

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: Chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường hướng đến người thu nhập thấp. Lý do, năm nay tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, người tiêu dùng có thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, chương trình này còn có ý nghĩa can thiệp thị trường khi có biến động về giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng trước áp lực giá cả