Một ngày 2 cuộc gặp gỡ với kiều bào nhân dịp Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đi thật mạnh mẽ: Tiềm năng phát triển đất nước không chỉ nằm vẻn vẹn trong mảnh đất hình chữ S. Bà con kiều bào dù ở xa Tổ quốc, nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy, trái tim luôn hướng về quê hương.
Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Ảnh: Thành Luân.
“Sự có mặt của kiều bào tại Hội nghị này khẳng định một điều rất thiêng liêng rằng tiềm năng phát triển của đất nước không chỉ nằm vỏn vẹn trong dải đất hình chữ S. Ở đâu có người Việt, ở đó có Việt Nam” - Thủ tướng nói.
Thông điệp của Thủ tướng một lần nữa khẳng định một quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phải khẳng định rằng trong những năm qua, đóng góp của kiều bào đối với đất nước là rất tích cực trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước; nhiều trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo; triển khai các dự án từ thiện-xã hội ở trong nước...
Đặc biệt lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng, theo thống kê của Ngân hàng thế giới, năm 2015 lượng kiều hối của Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, đứng thứ 11 trên thế giới, tăng hơn 1,5 lần so với 2010 (8 tỷ USD), phần lớn kiều hối chuyển về đều hướng vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hiện nay trong tổng số 4,5 triệu kiều bào người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có khoảng gần 400.000 trí thức kiều bào đang sinh sống và làm việc ở hơn 109 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trí thức kiều bào hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung chủ yếu ở các chuyên ngành về công nghệ cao, công nghệ thông tin, chế tạo sản xuất máy móc, bác sĩ… Đó là tiềm năng rất lớn bên ngoài mảnh đất hình chữ S, mà nếu phát huy được, sẽ là nguồn lực để phát triển đất nước.
Có những giai đoạn như lúc đất nước còn chưa giành được độc lập dân tộc, thì đóng góp thiết thực của trí thức đã được đào tạo ở nước ngoài là phải trở về quê hương, đem trí tuệ và sức lực cùng sát cánh với đồng bào chiến đấu giải phóng quê hương. Còn ngày nay, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá, kiều bào thành đạt ở đâu cũng là cống hiến.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì việc những người con nước Việt là chuyên gia, trí thức trình độ cao ở các nước phát triển, có điều kiện tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với công nghệ tiên tiến, tri thức tiến bộ của thế giới, là cơ hội tốt để đóng góp giúp đất nước tiến bước nhanh hơn trên con đường phát triển. Và mỗi người Việt Nam thành đạt bên ngoài Tổ quốc là một đại sứ để quảng bá thương hiệu Việt, là sứ giả truyền bá, phát huy văn hoá, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Điều mà theo Thủ tướng, đầu tư và kiều hối cũng quan trọng, nhưng gìn giữ văn hoá Việt, bản sắc Việt còn quan trọng hơn. Câu chuyện nữ GS Caroline Kiều Linh Valverde, Việt kiều Mỹ đã nỗ lực tự học tiếng Việt và có bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Việt, là một hình ảnh cảm động về giữ gìn văn hóa Việt Nam phải bắt đầu từ tiếng nói và chữ viết.
500 kiều bào trên toàn thế giới dự Hội nghị lần này đã đóng góp những ý kiến rất đáng quý. Trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, nhiều kiến nghị mới và sáng tạo thể hiện tấm lòng, trách nhiệm và tâm huyết của kiều bào đối với các vấn đề lớn của TP HCM như quản lý rủi ro ngập lụt, ách tắc giao thông, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh… cũng như các vấn đề chiến lược của đất nước về phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, bình quân hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo.
Nhưng nói về việc thu hút trí thức kiều bào đầu tư về Việt Nam, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận trên thực tế Việt kiều đầu tư về Việt Nam bằng chất xám không được nhiều, kết quả còn rất hạn chế.
Trong số rất nhiều lý do như điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ… có một rào cản lớn là chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách có tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức kiều bào.
Lần này, nói với 500 kiều bào trên toàn thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ cầu thị lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp. Cũng như khẳng định của Thủ tướng trước cộng đồng kiều bào khắp thế giới, về một Chính phủ quyết tâm đổi mới chính mình, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động; tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ mọi rào cản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp… là những tín hiệu cho thấy trong thời gian tới sẽ có những chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Với một niềm tin tưởng rằng còn dòng máu Việt chảy trong huyết quản, kiều bào còn hướng về quê hương, như lời khẳng định cũng là gửi gắm của người đứng đầu Chính phủ: “Mỗi kiều bào ta dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó có thể còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước, nhưng tôi tin rằng trong tâm trí tất cả đều có trái tim ấm tình yêu quê hương, đất nước”.
Tinh thần ấy từ 500 kiều bào trở về dự Hội nghị lần này sẽ lan toả ra cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, lay động trái tim và trí tuệ của mọi người.
Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nguồn lực của đất nước không chỉ vẻn vẹn bên trong mảnh đất hình chữ S.