Các nguồn lực tại Mỹ đang bị căng thẳng khi phía Đông Nam phải vật lộn với những cơn bão lớn trong khi phía Tây lại oi bức với nhiệt độ cao.
Nguồn lực ứng phó “hụt hơi”
Tuần vừa qua là một tuần thảm khốc của các thảm họa liên quan đến thời tiết trên khắp nước Mỹ. Phần lớn các khu vực phía Đông Nam vẫn đang vật lộn với sự tàn phá do bão Helene và Milton gây ra. Trong khi, phần lớn phía Tây đang chìm trong bối cảnh nhiệt độ thiêu đốt, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn và thúc đẩy hành vi hỏa hoạn cực đoan.
Theo nhà báo Gabrielle Canon của The Guardian, bão và hỏa hoạn không phải là bất thường vào đầu mùa thu. Nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm tăng tốc độ và tạo ra nhiều cơ hội hơn để các thảm họa chồng chéo lên nhau, cuối cùng gây thêm căng thẳng cho các nguồn lực cứu trợ, ứng phó khẩn cấp và những người bị ảnh hưởng bởi các sự kiện nguy hiểm tàn phá.
Dù các quan chức liên bang vẫn khẳng định các cơ quan ứng phó khẩn cấp có thể dẫn đầu các nỗ lực phục hồi sau cơn bão Helene và phản đối mạnh mẽ thông tin sai lệch tràn lan về việc sử dụng sai mục đích hoặc chính trị hóa các khoản tiền ở những khu vực bị bão tàn phá, nhưng các thảm họa cạnh tranh vẫn gây sức ép nghiêm trọng cho các cơ quan này.
Trước đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang (Fema) không có đủ tài chính để vượt qua mùa thảm họa này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lặp lại những lo ngại đó trong một lá thư gửi Quốc hội, kêu gọi các nhà lập pháp tăng nguồn tài trợ để đảm bảo Fema sẽ không phải từ bỏ các hoạt động phục hồi dài hạn để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết.
Trong khi đó, ngày 8/10, tình hình hỏa hoạn nguy hiểm ở phía Tây đã thúc đẩy các quan chức nâng mức ứng phó của đất nước lên cấp độ chuẩn bị 5 (PL5) - cấp độ cao nhất. Chỉ định này cho thấy, nguồn lực chữa cháy đang ngày càng khan hiếm khi điều kiện thời tiết kéo dài đến mùa thu.
Đây thực sự là một mùa bận rộn đối với lính cứu hỏa, nhiều người được ghi nhận đã làm thêm tới 1.400 giờ để dập tắt những đám cháy bao phủ hơn 30.756km2 tại Mỹ cho đến thời điểm này của năm 2024. Đối mặt với tình trạng ngân sách cạn kiệt, việc cắt giảm nhân sự theo mùa và triển khai hơn một nghìn nhân viên chữa cháy rừng để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau bão Helene, các cơ quan một lần nữa lại phải vật lộn.
Chủ động ứng phó từ cộng đồng
Để ứng phó, Nhóm điều phối đa cơ quan quốc gia (NMAC) - chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động chữa cháy của đất nước, đã kêu gọi hoãn các kế hoạch đốt theo quy định, để hạn chế khối lượng công việc có thể phải thực hiện vào mùa thu năm nay. “Chúng tôi kêu gọi hết sức thận trọng khi thực hiện các đám cháy có kiểm soát theo quy định mới trong môi trường hiện tại và sẽ cảnh báo mạnh mẽ về bất kỳ sự phụ thuộc nào vào các nguồn lực quốc gia để đạt được các mục tiêu theo quy định” - NMAC cho biết.
Khi nước Mỹ bước vào những tháng mùa thu, mùa cháy rừng cũng kéo dài, nguy cơ xảy ra các cơn bão tàn phá cũng tăng lên. “Đây là thời điểm bình thường trong năm đối với các cơn bão, nhưng Vịnh Mexico ấm lên khiến bão có khả năng tăng sức mạnh nhanh chóng. Trong khi đó, ở phía Tây đang diễn ra các đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán, tất cả đều song hành. Giống như mùa cháy rừng, nguy cơ xảy ra các cơn bão thảm khốc có thể kéo dài hơn vì nhiệt độ ấm kéo dài trong nhiều tháng trong năm” - TS Dave Easterling - nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia (NCEI), cho biết.
Năm 2024 đang trên đà được xếp hạng nằm trong số những năm nóng nhất từng được ghi nhận với nhiều khả năng thay thế năm 2023 ở vị trí đầu bảng. Nhiệt độ cao có thể là một sự kiện chết người, nhưng nó cũng tạo tiền đề cho các thảm họa tàn phá và tốn kém. Trong năm 2023, Mỹ đã ghi nhận 28 thảm họa và tiêu tốn 28 tỷ đô la. Theo các quan chức NOAA, đây là một con số chưa từng có.
Đây không phải là lần đầu tiên quỹ cứu trợ thiên tai trở thành mối quan tâm. Theo ông Jonathan Sury - cộng sự cấp cao tại Trung tâm Phòng ngừa thiên tai quốc gia (Đại học Columbia), chi phí liên quan đến thảm họa thời tiết đang tăng lên và ngay cả khi ngân sách được tăng cường, các cơ quan vẫn phải vật lộn để theo kịp.
“Mặc dù đã có nhiều tiền hơn được chuyển vào ngân sách của Fema để ứng phó với những vấn đề này, nhưng quy mô của những thảm họa này thực sự đã hút hết số tiền đó” - ông Sury nói và cho biết, hiện nay, các sự kiện cực đoan chồng chéo và phức tạp hơn, gây thiệt hại cho các cộng đồng và gây áp lực cho công tác quản lý tình trạng khẩn cấp, lực lượng ứng cứu đầu tiên và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Theo ông Jonathan Suzy - cộng sự cấp cao tại Trung tâm Phòng ngừa thiên tai quốc gia (Đại học Columbia), việc lập kế hoạch trong tương lai, đặc biệt là ở cấp cộng đồng, sẽ rất cần thiết để chuẩn bị và thích ứng với các mối đe dọa hiện tại, dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới nóng lên. “Chúng ta biết rằng nhiệt độ đang tăng và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta không thể ngăn chặn hết những thảm họa, nhưng có thể điều chỉnh cộng đồng và sinh kế của mình để quản lý bản thân và nguồn lực tốt hơn đối với những thảm họa trong tương lai” - ông Sury nói.