Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Những số liệu này một lần nữa cảnh báo về mối nguy của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe và tính mạng con người. Điều đáng nói, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua, có cả những vụ ngộ độc đến từ chính căn bếp trong gia đình.
Mới đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận chùm ca ngộ độc nấm nặng nhất trong 5 năm qua. Sau khi đi rừng hái nấm, chị Bàn Thị Ng. (Hà Giang) đã về nấu cho cả gia đình ăn. Bữa cơm đó có 5 người, gồm 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Đến sáng hôm sau, các thành viên trong gia đình xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi. Một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và một cháu nhẹ hơn được điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai). Tại đây, dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực nhưng do ngộ độc quá nặng nên 2 bệnh nhân đã tử vong.
Trước tình hình nói trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, sử dụng các loại nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… để làm thức ăn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, vào mùa hè, nỗi lo ngộ độc thực phẩm đường phố cũng rất đáng ngại. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, khả năng ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố tăng cao trong mùa nắng nóng. Khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân bị ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn đường phố vào mùa hè. Trong môi trường nắng nóng, vi khuẩn sinh sôi nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột, vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả... Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào thì độc tố vẫn còn và người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cùng đó, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, người dân không nên mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, chè, hoa quả dầm... bày bán ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận. Nên chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, tin cậy...
Đối với các quán ăn trên đường phố, nên chọn mua thức ăn tại quán có dụng cụ bảo quản như tủ kính, các loại thực phẩm được bảo quản trong cốc, hộp sạch sẽ...
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum). Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.
Theo Cục An toàn thực phẩm, mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại. Cùng với đó, người dân không nên ăn tiết canh lợn, gà, vịt... vì chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng như liên cầu lợn, giun sán. Những món ăn này không có tác dụng bổ máu, giải nhiệt trong mùa nóng như nhiều người lầm tưởng.