Sự cố an toàn thực phẩm vừa xảy ra tại Hà Nội khiến hàng chục học sinh tiểu học phải nhập viện, tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những bếp ăn tập thể.
Thông tin từ Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội, ngày 28/3, Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) có tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), khi về đến trường, khoảng 56 cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.
Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11h trong ngày.
Trong quá trình đi trải nghiệm học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà và sử dụng nước uống đóng chai 19l của trang trại Cánh Buồm Xanh. Thời gian học sinh từ trang trại về trường lúc 14h30, về đến trường một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, 2 cháu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Từ 15h30 đến 18h cùng ngày, có tổng số 50 học sinh có cùng biểu hiện nôn, buồn nôn, đau bụng được chuyển khám bệnh viện. Tới trưa 29/3, đã ghi nhận 73 trẻ nhập viện, trong số này, 58 trẻ đã ra viện.
BS Dương Thanh Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết: “Khi mới nhập viện, các cháu đều có tình trạng mệt lả, nôn nhiều, một số cháu ghi nhận thêm biểu hiện đi ngoài. Sau khi khai thác tiền sử, bước đầu chúng tôi nhận định đây có thể là một vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Ngay lập tức, bệnh viện đã báo động đỏ và huy động tất cả phương tiện, kỹ thuật, nhân lực để cấp cứu các cháu. Sau khi cấp cứu, các cháu đều qua giai đoạn bệnh nặng ban đầu, tỉnh táo, không nôn, không đi ngoài”.
Trong khi đó, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – nơi tiếp nhận và điều trị hơn 20 học sinh của Trường Tiểu học Kim Giang, BS Phạm Văn Hưng thông tin: “Khi mới nhập viện, một số cháu có biểu hiện mất nước khá nặng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các biện pháp điều trị, đa phần các bệnh nhi đã ổn định về các dấu hiệu sinh tồn. Hiện tại, trong tổng số 38 trẻ tới thăm khám tại Bệnh viện, 33 trẻ đã được xuất viện, còn 5 trẻ cũng ổn định về các dấu hiệu sinh tồn, tuy nhiên, vẫn cần theo dõi thêm”.
Thực tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể luôn được dư luận quan tâm, bởi lẽ những vụ ngộ độc có nguyên nhân từ đây thường mang tính chất hàng loạt với rất nhiều nạn nhân.
Tháng 12/2022, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cùng lúc tiếp nhận 40 học sinh (lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu) vào viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn sau khi ăn tối tại một nhà hàng. Sau khi nhập viện, qua đánh giá ban đầu, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Các bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho những bệnh nhi này. Một trong số các học sinh cho biết đã ăn canh, đùi gà, sườn, ngô, sau khi ăn thì bị đau bụng, buồn nôn.
Theo nhận định từ Bộ Y tế, hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn. Cơ quan này cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.
Về vụ ngộ độc ở Trường tiểu học Kim Giang, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: “Nhiều giả thuyết có thể đặt ra trong tình huống này, bởi lẽ, thức ăn cũng đã được vận chuyển ở thời gian và khoảng cách không ngắn, cụ thể ở đây là từ bếp ăn của trường tới địa điểm tham quan. Nếu hộp đựng thức ăn không sạch sẽ, người chia phần ăn tay chưa vệ sinh, đầu tóc, quần áo không đảm bảo cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Khi thanh tra, kiểm tra, nhất là ở các cơ sở giáo dục, có nhiều trường, nhất là các trường có địa điểm chật hẹp, không đủ điều kiện diện tích để tổ chức nấu nướng tại chỗ, nên thuê một cơ sở nấu ở bên ngoài, sau đó vận chuyển. Đó cũng là một nguy cơ. Theo nguyên tắc, thức ăn nấu xong không nên ăn sau 2 giờ, vì nếu để môi trường bình thường thì nguy cơ về vệ sinh ô nhiễm. Thế nhưng khi nấu ăn ở các địa điểm khác, sau đó vận chuyển, phương thức vận chuyển không bảo đảm thì rất có nguy cơ ô nhiễm trong giai đoạn này. Việc lựa chọn nguyên liệu, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn không đảm bảo an toàn. Có sự lơ là trong khâu quản lý, giám sát”.
Theo TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, hầu hết các vụ ngộ độc tập thể tại trường học đều có nguyên nhân là do các trường chưa thực hiện tốt quy trình bếp ăn 3 bước, mặc dù đây là công thức cơ bản được áp dụng từ xưa đối với bếp ăn tập thể. Đó là kiểm thực trước khi thực phẩm nhập về, trước khi chế biến và phân chia, trước khi ăn. Dù chế biến tại trường, hay thuê công ty phục vụ thì cũng phải theo đúng quy trình này.