Bước vào thế kỷ XXI, giới văn học thiếu nhi Việt Nam ngạc nhiên đón nhận cuốn sách “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Tác phẩm đã đạt Giải nhất cuộc thi văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” lần thứ III (do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức năm 2002).
Trước đó, Nguyễn Ngọc Thuần đã đạt giải Ba giải thưởng Văn học tuổi 20 với tác phẩm “Giăng giăng tơ nhện” (năm 2000). Sau đó là tác phẩm “Một thiên nằm mộng” đạt giải A Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng (2001-2002). Có điều gì kỳ diệu khiến tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, sinh năm 1972, quê ở Tân Thiện, Hàm Tân, Bình Thuận, học Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM rồi làm họa sĩ ở báo Tuổi trẻ TPHCM, lại liên tiếp thành công trong văn học thiếu nhi như vậy?
Giờ đây 20 năm sau, ở tuổi 70 đọc lại “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ”, tôi mới thực sự thấm thía sâu sắc vẻ đẹp độc đáo của tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đầu tiên đã đạt giải Peter Pan (Giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm văn học thiếu nhi hay nhất) năm 2008. Hóa ra việc “ trở về tuổi thơ lần thứ hai” là việc trở về với tuổi thơ muôn thuở.
Nhiều người đã biết câu “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nguyễn Ngọc Thuần lại nói “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”. Như vậy văn Nguyễn Ngọc Thuần sẽ không là ánh mắt trực diện với ngoại cảnh, sẽ là một cái nhìn hướng vào nội tâm? “Cửa sổ” mà nhà văn mở ra với người đọc sẽ là gì?
Cuốn truyện là câu chuyện của cậu bé 10 tuổi kể về cuộc sống ở một làng quê. Nơi đó có cánh đồng, có khu vườn, có trường học và cô giáo, có chợ và người ăn mày, có nhà thờ và bà ma-xơ chơi đàn dương cầm, có rừng và trẻ con đi chơi dễ bị lạc, có đoàn sơn đông mãi võ mang theo những con rắn độc ghé qua chợ làng...
Ngay từ trang đầu tiên người đọc đã nhập hồn vào một “cõi tinh khôi” như nhà văn Hồ Anh Thái đã nhận xét “Văn phong đẹp trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình”. Ai cũng đã từng tự đặt câu hỏi “Mình ra đời như thế nào?”. Cậu bé trong cuốn sách đã được nghe bố kể: “Một đứa trẻ khi ra đời, bà mụ phải đập đập vào mông gọi nó dậy”. Và, sự thức dậy của đứa trẻ là tiếng khóc! “Chúng ta chỉ được khóc một lần khi chào đời, một cái khóc dễ thương nhất. Bố tôi vẫn nhớ mãi cái ngày tôi khóc. Tức cái ngày tôi chào đời”.
Vâng, một chuyện hệ trọng nhất của con người chính là “tiếng khóc chào đời”. Ấy thế mà biết bao nhiêu năm qua, những trang sách dành cho trẻ em chỉ toàn nói chuyện trên trời dưới bể... Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn đầu tiên đã trang trọng nói với trẻ em về “tiếng khóc chào đời” thông qua lời kể của bố cho con. Chúng ta đã có khá nhiều trang văn viết về tình mẹ con. Mẹ yêu con. Con yêu mẹ. Thật là hiếm hoi có văn thơ nói về tình bố con.
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là cuốn sách nói về tình bố con. Hình tượng người cha xuyên suốt cuốn sách và chính là linh hồn của tác phẩm. Đó không phải là một người “mũ cao áo dài”, đó là người của đồng quê. Một người nâng niu con từ tấm bé: “Muốn ẵm tôi lên, bố phải từ từ. Bố nói, ẵm một đứa bé con mệt hơn cầy một đám ruộng. Bởi đám ruộng bạn có thể sửa chữa được, con đứa bé thì không”.
Tình yêu con được diễn tả thế này: “Bố nói, giấc ngủ của một đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Đêm bố thức để nhìn thấy tôi ngủ, cánh đồng của bố”.
Người bố trong trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần là như vậy. Chính bố đã dạy con trai nhắm mắt để biết cảm nhận bằng thính giác, khứu giác... để có một linh giác sâu thẳm trong tâm hồn: “Nhà tôi có một khu vườn rất rộng. Bố tôi trồng nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố tôi thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới... Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một. Bố nói: “Đố con hoa gì?”. Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng”. Thật là hiếm có ông bố như thế! Thật hạnh phúc cho những đứa trẻ có được ông bố như nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần!
Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học đã cho rằng, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là tác phẩm không chỉ dành cho thiếu nhi mà là để dành cho người lớn. Đây là tác phẩm rất có ích cho các bậc cha mẹ. Chính nhờ có bố mà cậu bé đã có được một tâm hồn đẹp: “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì...”.
Văn của Nguyễn Ngọc Thuần rất hợp với trẻ nhỏ. Câu ngắn, chấm phảy mạch lạc, hình ảnh tươi tắn, từ ngữ tinh khiết trang trọng. Nguyễn Ngọc Thuần là người Nam Trung bộ, nhưng văn của anh ít tiếng địa phương. Văn của Nguyễn Ngọc Thuần đạt độ trong sáng tiếng Việt phổ biến, và chính vì thế văn của Nguyễn Ngọc Thuần đã vươn xa ra thế giới.
“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” không chỉ nói chuyện đẹp lành, không chỉ có hoa thơm trái chín, cô giáo hiền, cha mẹ yêu con... Bên cạnh tiếng khóc chào đời hạnh phúc, tác giả đã kể về cái chết của một em bé sơ sinh ở một xóm thôn hẻo lánh điều kiện y tế thiếu thốn, đứa trẻ đã chết khi mới sinh ra. Tác giả đã dành những trang viết rất cảm động về cái chết của một nữ tu sĩ hiền thục, một bà ma-xơ đàn. Bên cạnh hình ảnh gia đình mạnh khỏe yên ấm, tác giả đã viết về những người khuyết tật bị mất một phần thân thể vì chiến tranh.
Tác giả đã miêu tả hình ảnh hai ông cháu ăn mày ngủ chợ. Cậu bé ăn xin không có một tâm hồn rách rưới của kẻ lưu manh. Cậu là đứa trẻ tinh khôi thơ ngây như mọi đứa trẻ con nhà lành, cậu nuôi một con dế chết khô bằng cách ngày nào cũng đi kiếm một ngọn cỏ non cho nó ăn. Tác giả đã tả sự ngu ngơ của Tí người bạn của cậu bé kể chuyện đã bị rắn độc cắn suýt chết. Tí đã được cứu sống nhờ sự tỉnh táo yêu thương của người bố (của nhân vật chính) và ông Lang vườn quê.
Tôi thiết nghĩ rằng văn học thiếu nhi không hề né tránh việc trò chuyện với trẻ em về cái chết và những tình huống nguy hiểm chết người. Vấn đề là ở chỗ viết như thế nào? Đây là một câu văn của Nguyễn Ngọc Thuần nói về nỗi đau chia lìa: “Bố tôi vẫn nói, khi một người thương yêu của ta ra đi, cũng giống như ta cắt lìa một khoảng trời trong trái tim mình. Đó là một khoảng trời rất rộng mà ta hít thở hàng ngày. Ta được nuôi sống”.
Hôm nay khi cảm nhận về tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, tôi cũng không khẳng định rằng tác phẩm mang tính mẫu mực về văn phong, về nhân vật hay về kết cấu. Tôi chỉ muốn cùng các bạn tìm hiểu những “cửa sổ mới” mà Nguyễn Ngọc Thuần đã mở ra trong một cuốn sách cho thiếu nhi.
Đó là chính là điều quý giá mà những người chuyên với văn học thiếu nhi rất trân trọng yêu mến. Nguyễn Ngọc Thuần cũng tâm sự rằng: “Văn chương giúp thay đổi một vài hình ảnh về bản thân trong thế giới quanh ta. Ví dụ: Chúng ta sẽ đanh ác hơn hay dịu dàng hơn hoặc vừa dịu dàng vừa đanh ác, hoặc sẽ không dịu dàng cũng không đanh ác nốt, chúng ta là một cái gì đó... đó là cái hay của văn chương.
Cái hay nhất không phải nói lên chúng ta là ai, khẳng định một cái tôi tuyệt hảo, mà là thỉnh thoảng, đúng vậy, thỉnh thoảng thôi, chúng ta được không phải là mình”. (trích trong cuốn “Nhà văn hiện đại Việt Nam” - Hội Nhà văn Việt Nam).
Con đường sáng tác của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần còn dài. Hy vọng rằng sau những tháng năm trải nghiệm cuộc sống sâu sắc, anh sẽ có lúc thăng hoa tự vượt lên thành tựu của chính mình để cho ra đời một tác phẩm mới.
Một chuyện hệ trọng nhất của con người chính là “tiếng khóc chào đời”. Ấy thế mà biết bao nhiêu năm qua, những trang sách dành cho trẻ em chỉ toàn nói chuyện trên trời dưới bể... Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn đầu tiên đã trang trọng nói với trẻ em về “tiếng khóc chào đời” thông qua lời kể của bố cho con. Chúng ta đã có khá nhiều trang văn viết về tình mẹ con. Mẹ yêu con. Con yêu mẹ. Thật là hiếm hoi có văn thơ nói về tình bố con. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là cuốn sách nói về tình bố con. Hình tượng người cha xuyên suốt cuốn sách và chính là linh hồn của tác phẩm. Đó không phải là một người “mũ cao áo dài”, đó là người của đồng quê. Một người nâng niu con từ tấm bé.