Tác phẩm của nhà văn Uông Triều được chọn trong sách giáo khoa nằm trong bộ sách Đọc hiểu mở rộng văn bản ngữ văn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lớp 11 là tiểu luận “Ngày suy tàn của sách giấy?” trong bài Đọc hiểu văn bản nghị luận văn học. Với lớp 8 là truyện ngắn “Kiếm sắc và hoa đào” trong bài Đọc hiểu văn bản truyện lịch sử.
PV: Cảm xúc của anh như thế nào khi tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa?
Nhà văn UÔNG TRIỀU: Tôi viết nhiều đề tài, nhiều thể loại trong đó có đề cập đến những góc khuất của con người và lối viết thử nghiệm. Tất nhiên khi chọn ngữ liệu văn học cho sách dùng trong trường phổ thông, các vấn đề như ẩn ức hoặc thử nghiệm có thể chưa phù hợp với các em nên những người làm sách đã chọn một văn bản nghị luận văn học và một truyện ngắn lịch sử. Sự lựa chọn này tôi nghĩ là an toàn và phù hợp. Và không chỉ với riêng cá nhân tôi mà với bất cứ tác giả nào, người soạn sách họ có tiêu chí riêng và có lẽ yếu tố quan trọng nhất là phù hợp, đúng mục tiêu giáo dục, vừa tầm với học sinh. Đây là một niềm vui nho nhỏ với tôi vì tác phẩm của mình có ích và chúng được tiếp cận ở những cách khác nhau.
Anh có nhận xét gì về tình hình dạy văn học trong trường học những năm gần đây?
- Tôi xuất phát từ giáo viên phổ thông (không dạy văn) nhưng tôi vẫn quan tâm đến môn Ngữ văn. Tôi thấy nhiều bạn bè giáo viên dạy văn của tôi ta thán học sinh không thích học môn văn, tất nhiên không phải là tất cả. Nói thật là tôi thích văn, viết văn nhưng tôi thấy môn văn giảng dạy trong trường phổ thông chưa hấp dẫn. Ngay cả bây giờ con tôi đang học phổ thông và đồng nghiệp của tôi cũng nói vậy.
Hiện tại, những bộ sách giáo khoa dạy văn mới đang dần được thay thế theo lộ trình, trong đó có nhiều tác phẩm mới được đưa vào giảng dạy, anh có suy nghĩ gì về cách làm mới này?
Vừa qua, đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT lại một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi với cách ra đề an toàn, thậm chí được cho là cũ kỹ, chưa phát huy được sức sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, “đổi mới phương pháp dạy văn học” cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây nhưng dường như vẫn chưa tìm ra phương pháp phù hợp. Vậy làm thế nào để việc giảng dạy môn Ngữ văn ngày một tích cực, và kích thích tư duy sáng tạo của học sinh?
- Tôi nghĩ việc đưa những tác phẩm mới vào giảng dạy là đương nhiên vì văn chương là một dòng chảy không ngừng, giai đoạn nào cũng có thành tựu của nó. Các tác phẩm mới liên tục được sáng tạo, nhất là sau năm 1986, văn học Việt Nam đã có nhiều thành tựu. Tôi nghĩ những tác giả như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban... không thua kém các thế hệ trước đâu. Hơn nữa, các tác phẩm của thời kỳ trước đã làm xong nhiệm vụ của mình rồi, tôi nói vui rằng, nó đã “đúc” ra hàng vạn thí sinh, đó là những con số rất lớn.
Tuy nhiên, trong đề thi lên cấp 3 và nhất là tốt nghiệp THPT vừa rồi, chúng ta vẫn thấy những tác phẩm cũ xuất hiện? Điều này sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, cảm xúc của các em ra sao?
- Tôi biết những người ra đề có cái khó của họ, khi những tác phẩm đưa vào chương trình sách giáo khoa không nhiều, loanh quanh mấy chục năm vẫn là: Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Xuân Diệu, Kim Lân, Xuân Quỳnh... Nếu vẫn dùng mãi ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề thi thì vẫn chừng ấy người, từng ấy tác phẩm, sự trùng lặp, trúng đề, học tủ, học lệch là không tránh khỏi. Sự lặp lại này chắc chắn là nhàm chán và nảy sinh tâm lý học tủ, học thuộc. Như tôi biết là đến năm 2025 việc ra đề mới không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa, nghĩa là vẫn phải chờ đợi, có lẽ là do chương trình khung, thiết kế bài thi khung. Vậy nên sang năm, một tác phẩm quá cũ, quen tiếp tục được dùng làm “khuôn đúc” ra đề vẫn không tránh khỏi.
Trên thực tế, thì văn học được giảng dạy trong nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, vì nó chính là hướng dẫn các em về tư tưởng, về cảm thụ cái đẹp và tư duy tích cực?
- Đúng vậy, các môn học, đặc biệt là môn văn rất quan trọng đối với học sinh để trang bị những cảm quan cơ bản, ban đầu về tư tưởng, cái đẹp. Các em có thể ảnh hưởng bởi tác phẩm trong sách giáo khoa về quan điểm, tầm thẩm mỹ qua quá trình học và hấp thu. Vậy nên những thứ gì dạy học sinh ở giai đoạn căn bản sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các em, không chỉ ở thời điểm học mà có thể cả lâu dài.
Bên cạnh đề thi, thì đáp án văn học theo barem, cũng là vấn đề?
- Bởi vì tác phẩm văn học đã được dạy trong thời gian khá lâu, nó thành nếp rồi, với Chí Phèo thì thế nào, viên quản ngục thì ra sao và anh cu Tràng cũng tương tự. Làm bài theo barem chắc chắn là suy nghĩ của học sinh và quy định khi chấm thi. Muốn có cái mới thì cần chú trọng đến cách tiếp cận để gặp đề thi nào học sinh nào cũng làm được và thỏa sức sáng tạo. Còn khi đã đi thành đường ray rồi thì học sinh chắc chắn không mạo hiểm còn người chấm điểm thì càng cần có barem, càng có khuôn càng dễ chấm. Chấm điểm cái sáng tạo, cái bứt phá không dễ, ra đề cũng thế, nó đòi hỏi sự tự tin và dũng cảm nữa. Tất nhiên con người ta cơ bản đều thích chọn cái dễ, cái quen.
Theo anh, làm thế nào để việc giảng dạy văn học ngày một tích cực, kích thích tư duy sáng tạo và học sinh yêu mến môn văn hơn?
- Đầu tiên là cần chấp nhận cảm quan khác nhau về một tác phẩm văn học. Một tác phẩm dù là kinh điển thì vẫn có người không thích, vậy nên không áp đặt cách cảm nhận, thậm chí hiểu khác đi so với ý tác giả hay sách giáo khoa cũng cần được chấp nhận, miễn là điều ấy được diễn giải hợp lý. Hơn nữa, văn học đừng xa rời cuộc sống, nó cần gần gụi và thiết thực thì các em mới quan tâm. Chúng ta đã giảng dạy quá nhiều thứ “trên trời” và xa lạ rồi, không ít người cứ nghĩ đến văn học là hình dung đến một thứ gì đó hão huyền, vời vợi... Tất nhiên cần sự khoa học, hợp lý, cách thức triển khai ở tầm khung và nỗ lực quan trọng của người thầy nữa thì quá trình này mới mong sớm được cải thiện.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!