Mặt trận

Nhân lên sức mạnh trong đồng bào các dân tộc thiểu số - Bài cuối: Tập trung nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc

NHÓM PHÓNG VIÊN 25/11/2023 14:15

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực, đồng thời tháo gỡ những khó khăn để triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

bai-chinh(1).jpg
Đất sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp. Ảnh: Xuân Thi.

Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 sẽ là sức mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai

Thực tế ở các địa phương, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại “làn gió mới” với nhiều đổi thay trong cuộc sống của đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên triển khai trong thời gian ngắn, nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư) và nhiều văn bản hướng dẫn (112 văn bản) nên trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa đồng bộ. Việc rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng, công tác phê duyệt theo giai đoạn, năm còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân.

Ông Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, ĐBQH khóa XV cho rằng, nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào của Chương trình MTQG 1719 còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng... để dành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào, góp phần ổn định cuộc sống và chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Theo ông Minh, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ đồng bào chưa được cấp đất sản xuất thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp (chỉ 10 triệu đồng/người) và hướng dẫn nội dung hỗ trợ không rõ ràng nên còn nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn Trung ương là 40 triệu đồng/nhà và địa phương đối ứng tối thiểu 10%, trong khi phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí (diện tích 30m2, cứng tường, sử dụng 20 năm, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào) trong điều kiện thi công ở miền núi là rất xa với thực tế.

Đánh giá về kết quả của việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH khóa XV nhìn nhận, dù các ban, ngành, địa phương tại Quảng Trị đã rất nỗ lực, tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được vẫn còn hết sức khiêm tốn. Việc giải ngân nguồn vốn phải trải qua rất nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương nên kết quả của Chương trình MTQG 1719 chưa đạt như kế hoạch đề ra.

Việc triển khai Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là nguồn hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hộ gia đình thụ hưởng các chính sách của Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở; nhà ở; đất sản xuất và nước sinh hoạt).

Ông Dương Đình Luân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế (Trưởng đoàn giám sát Chương trình 1719) cho biết, hiện nhiều cơ chế, chính sách, các văn bản, thông tư hướng dẫn của Trung ương còn bất cập, thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Việc chậm sửa đổi, ban hành một số văn bản khiến công tác hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách gặp khó khăn, thiếu kịp thời. Từ đó khiến các cơ quan có liên quan ở cấp huyện, cấp xã chậm trong việc triển khai các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.

Chung tay tháo gỡ

Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh đề xuất, để xây dựng nhà ở theo các tiêu chí của Chương trình cần tối thiểu 120 triệu đồng/nhà.

Theo ông Minh, mặc dù Chương trình có ưu đãi vay vốn song cuộc sống các hộ gia đình đồng bào DTTS quá khó khăn, lại “ngại” vay vốn, vì vậy cần nâng mức hỗ trợ bảo đảm hợp lý, khả thi. Có thể nâng kinh phí hỗ trợ làm nhà ở lên 80 triệu đồng 1 nhà xây mới. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đối ứng của địa phương còn thấp (hiện tại tối thiểu 10% với 4 triệu đồng) cần nâng lên khoảng 50% (20 triệu đồng) để hỗ trợ đồng bào làm nhà. Ngoài ra, cần có sự chung tay của các cấp, đoàn thể và nhà hảo tâm. Chẳng hạn như Mặt trận hỗ trợ thêm 40 triệu đồng xây nhà Đại đoàn kết; lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ hỗ trợ ngày công, vật dụng thiết yếu khác…

Trước những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng cần thực hiện 2 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí, các quy định để thực hiện Chương trình MTQG 1719, nhất là trong việc giải ngân nguồn vốn.

Thứ hai, nên phân cấp trọn gói cho các địa phương trong việc chịu trách nhiệm phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên cũng như phân bổ nguồn lực, tiến hành lồng ghép một cách có hiệu quả nguồn lực giữa các Chương trình MTQG đang được triển khai.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình MTQG 1719 còn những vướng mắc, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Do đó, để Chương trình thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần có những phương án linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương để Chương trình đạt được kết quả cao nhất.

Có thể khẳng định rằng, cùng với thực hiện các Chương trình MTQG, cuộc sống của đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có nhiều đổi thay. Kể từ khi có Chương trình MTQG 1719, nhiều mô hình sinh kế đã “nhân rộng, nối dài” trong việc giúp đỡ đồng bào “an cư lạc nghiệp”. Những ngôi nhà kiên cố để ở, những khoảnh đất sản xuất; cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa… đang được triển khai sẽ mang đến cuộc sống mới với đồng bào DTTS và miền núi ở các địa phương.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Chương trình MTQG 1719 bao trùm 10 dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, địa bàn rất rộng, nên hệ thống văn bản ban hành cần rất chi tiết, cụ thể, tuy nhiên có những nội dung chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định. Chính vì vậy, trong quá trình ban hành, khối lượng văn bản là nhiều, có sự trùng lặp, vướng mắc giữa các văn bản pháp luật hiện đang có hiệu lực cùng với văn bản của các bộ, ngành khác. Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham gia giải quyết trong thời gian tới. Về tốc độ giải ngân, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lên sức mạnh trong đồng bào các dân tộc thiểu số - Bài cuối: Tập trung nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO